|
Trong đới tách giãn, mảng kiến tạo Somalia dịch về phía Đông, cách xa khỏi phần còn lại của lục địa trên mảng kiến tạo Nubia (hay còn gọi là mảng kiến tạo châu Phi). |
|
Chuyển động này dẫn tới hoạt động núi lửa và địa chấn trong vùng, dẫn khí từ sâu trong vỏ Trái Đất tới bề mặt và vào tầng nước sâu của hồ Kivu. |
|
Theo các chuyên gia, Kivu là một hồ nước khổng lồ bão hòa carbon dioxide (CO2) và methane ở tầng nước sâu đến mức có thể phát nổ mà không có dấu hiệu báo trước. Hai hồ khác ở châu Phi cũng có đặc điểm tương tự là hồ Nyos và Monoun ở Cameroon. Hai hồ nước này đều từng phát nổ trong 40 năm qua, khiến khoảng 1.800 người và hàng nghìn động vật tử vong. |
|
Sergei Katsev, giáo sư vật lý và hồ học địa hóa ở Đại học Minnesota Duluth, cho hay hồ Kivu lớn hơn nhiều so với cả hồ Nyos hoặc hồ Monoun, dài 90 km, rộng 50 km và sâu 475m. Hồ nước có cấu trúc phân tầng khác thường, chỉ có 60m nước trên cùng hòa lẫn thường xuyên trong khi những lớp nước thấp hơn luôn tù đọng. |
|
Ông Sergei cho hay sự phân tách trên có nghĩa CO2 và methane sủi lên từ đáy hồ bị mắc kẹt và tích tụ ở tầng đáy với độ sâu hơn 260m. Khoảng 300 km3 CO2 và 60 km3 methane nằm ở đáy hồ Kivu. |
|
Ngoài ra, hồ Kivu cũng chứa đầy khí hydro sulfide từ sâu trong vỏ Trái đất. Hỗn hợp khí độc đó có thể nhanh chóng phát nổ dọc theo khu dân cư đông đúc xung quanh. |
|
Theo Philip Morkel, kỹ sư kiêm nhà sáng lập Hydragas Energy, một vụ nổ sẽ giải phóng đám mây khí khổng lồ lơ lửng phía trên hồ nhiều ngày hoặc nhiều tuần, cuối cùng phân tán trong không khí. Một công ty ở Canada đang lên kế hoạch khai thác methane từ hồ Kivu để sản xuất điện. |
|
"Khi hồ bão hòa 100% ở tầng đáy (hiện nay là hơn 60%), nó sẽ nổ ngay lập tức. Vào lúc đó, hồ nước có thể giải phóng 5% lượng khí nhà kính toàn cầu hàng năm chỉ trong 1 ngày. Tỷ lệ tử vong từ vụ nổ như vậy sẽ cực lớn. Khoảng 2 triệu người đang sống bên bờ hồ Kivu", kỹ sư Morkel cho hay. |
|
Các nhà khoa học có thể theo dõi lượng khí mắc kẹt trong hồ Kivu, qua đó ước tính nguy cơ nổ nhưng vẫn có nhiều yếu tố khó dự đoán hơn có thể dẫn tới vụ nổ. Giáo sư Katsev đưa ra ví dụ động đất hoặc dung nham đột ngột có thể khuấy động những tầng nước trong hồ, gây ra vụ nổ. |
|
Ông Katsev chỉ ra nguy cơ cũng có thể đến từ nỗ lực bơm methane từ hồ Kivu. Hoạt động khai thác methane bắt đầu bên phía Rwanda từ năm 2016, với mục đích giảm nguy cơ vụ nổ đồng thời cung cấp năng lượng cho lưới điện của cả nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo việc làm thay đổi cấu trúc hồ nước có thể kích hoạt một vụ nổ trong khi chúng ta đang cố gắng ngăn chặn thảm kịch xảy ra. |
Mời độc giả xem video: Hồ nước có cấu tạo lạ khiến người mắc “hội chứng sợ lỗ” rùng mình.