Nhiều người vẫn cho rằng việc điều trị hiếm muộn chủ yếu là “việc của phụ nữ”. Nhưng khoa học hiện đại đã chỉ rõ: Nam giới đóng vai trò không thể thay thế, thậm chí có thể là nguyên nhân chính trong nhiều trường hợp hiếm muộn.
 |
Ảnh minh họa/ Nguồn Internet |
Vô sinh nam chiếm tới 50% nguyên nhân
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh được định nghĩa là tình trạng không có thai sau 12 tháng quan hệ tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai. Trong các cặp đôi hiếm muộn, nguyên nhân xuất phát từ người chồng chiếm đến 40–50%. Một thống kê tại Việt Nam của Bệnh viện Từ Dũ cho thấy, mỗi năm đơn vị hỗ trợ sinh sản của bệnh viện tiếp nhận hơn 20.000 lượt khám, trong đó tỷ lệ nam giới có bất thường về tinh dịch đồ chiếm gần 50%.
Tuy nhiên, do định kiến xã hội và sự thiếu hiểu biết, nhiều người vẫn tin rằng người phụ nữ mới là đối tượng cần được điều trị khi hiếm muộn xảy ra. Không ít cặp đôi đã mất nhiều năm điều trị cho người vợ trong khi nguyên nhân chính lại nằm ở người chồng, gây tốn kém thời gian, tiền bạc và cả tinh thần.
Nguyên nhân vô sinh nam, từ thể chất đến lối sống hiện đại
Số lượng và chất lượng tinh trùng thấp: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Nam giới có thể gặp các vấn đề như tinh trùng yếu, di động kém, dị dạng hoặc không có tinh trùng.
Bất thường về giải phẫu: Như tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, tắc ống dẫn tinh.
Rối loạn nội tiết: Do rối loạn hormone sinh dục nam (testosterone), bệnh tuyến yên hoặc tuyến giáp.
Nhiễm trùng đường sinh dục: Như viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, các bệnh lây qua đường tình dục.
Yếu tố di truyền: Các bất thường nhiễm sắc thể hoặc đột biến gen có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Tác động từ môi trường và lối sống: Làm việc trong môi trường hóa chất, nhiệt độ cao, hút thuốc lá, uống rượu, lạm dụng chất kích thích, stress kéo dài và béo phì đều có thể làm suy giảm chất lượng tinh trùng.
Khám và điều trị, nam giới không thể đứng ngoài cuộc
Để chẩn đoán nguyên nhân vô sinh từ phía nam giới, phương pháp phổ biến nhất là xét nghiệm tinh dịch đồ, một xét nghiệm đơn giản nhưng rất quan trọng. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá được mật độ, khả năng di động và hình dạng của tinh trùng. Ngoài ra, các xét nghiệm hormone sinh dục, siêu âm tinh hoàn, sinh thiết tinh hoàn hoặc xét nghiệm di truyền cũng có thể được chỉ định nếu cần.
Điều trị vô sinh nam tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Nếu do viêm nhiễm, người bệnh sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Nếu do giãn tĩnh mạch tinh, có thể phải phẫu thuật. Trong những trường hợp tinh trùng yếu hoặc quá ít, các biện pháp hỗ trợ sinh sản như IUI, IVF hoặc ICSI (tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) là lựa chọn tối ưu.
Rào cản lớn nhất, tâm lý và định kiến
Nhiều người chọn cách im lặng, trì hoãn hoặc tìm đến các biện pháp dân gian chưa được kiểm chứng, khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, nếu được chẩn đoán và can thiệp sớm, nhiều trường hợp hoàn toàn có thể cải thiện chức năng sinh sản.
Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, kiểm tra chức năng sinh sản định kỳ, xây dựng lối sống lành mạnh (giảm rượu bia, không hút thuốc, tập thể dục đều đặn, kiểm soát stress…) là những bước quan trọng giúp nam giới bảo vệ khả năng làm cha của mình.