"Đất vàng” chợ Bến Thành từng có lịch sử đáng ngạc nhiên

Nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết về lịch sử khu đất này trước khi chợ Bến Thành được xây dựng.
 Nằm tại trung tâm quận 1, chợ Bến Thành là một khu chợ cổ nổi tiếng, được xem là công trình tiêu biểu nhất của Sài Gòn – TP HCM. Khu đất xây chợ được coi là có vị trí đắc địa nhất của thành phố, nơi “tấc đất là tấc vàng” theo đúng nghĩa đen.

 Nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết về lịch sử của khu đất này trước khi chợ được xây dựng. Câu chuyện được kể lại trong sách "Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2" của tác giả Cù Mai Công / First News (NXB Tổng hợp TP HCM).

 Theo đó, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khu đất được bao quanh bởi 4 con đường Némésis (nay là Phó Đức Chính) - d’Ayot (nay là Nguyễn Thái Bình) - Boresse (nay là Yersin) và d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) là một bãi lầy lớn.

 Người Pháp gọi đây là đầm lầy Boresse (marais Boresse) - theo tên đường Boresse chạy dọc bờ Tây của đầm. Dựa vào cái tên thuần Pháp này mà người Việt gọi là đầm Bồ-rệt.
 M. A. Petition, một khách du lịch Pháp đã ghi chép rất sinh động về khu đầm lầy này: “Vào khoảng năm 1890, trong khu Boresse vẫn còn nhiều đường đất đắp cao, cắt nhau khá đều đặn, chạy ngang dọc, chia khu đầm lầy ra thành từng xóm nhỏ...”.

 “...Mỗi xóm là một khu nhà sàn mái lá xây trên cọc gỗ. Từ trong xóm, mỗi căn chòi có cầu ván đi thông ra ngoài đường, có khi hai hay ba tấm ván nối nhau nếu vũng sình quá rộng. Người qua cầu nếu lỡ bước hụt chân sẽ rơi xuống vũng sình bùn lẫn với rong rêu, ếch nhái…”.

 “...Ban ngày các khu xóm tồi tàn ấy vắng ngắt như một ngôi làng bỏ hoang, nhưng khi đêm về cảnh vật tưng bừng như hội chợ. Hàng nghìn đèn lồng bằng giấy đủ màu treo khắp mọi nhà, ánh đèn phản chiếu trên mặt nước thật ngoạn mục...”.

 “...Trên đường người đi đông vô kể, trong đám đông đó có những thủy thủ đã từng đi khắp năm châu bốn biển, có cả lính tráng đủ các binh chủng, và người thường dân thuộc đủ các nghề nghiệp. Họ chen nhau đi giữa những hàng cháo, hủ tiếu, bánh mứt, rượu trà, thuốc lá…”.

 Năm 1894, Toàn quyền Đông Dương De Lanessan ký sắc lệnh yêu cầu chính quyền thành phố Sài Gòn làm năm dự án: lập Sở Cấp thủy, xây một nhà hát lớn, xây tòa thị chính, dựng chợ trung tâm và chỉnh trang đầm Boresse sao cho hợp vệ sinh.

 Phải mãi tới năm 1907, Thống đốc Nam kỳ François Pierre Rodier mới ra nghị định thực hiện dự án đã được lập trước đó. Đầm Boresse được lấp, hệ thống cống ngầm được xây dựng để nước mưa, nước thải chảy ra rạch Bến Nghé.

 Sau khi vấn đề đầm Boresse được giải quyết, khu chợ mới được khởi công xây dựng ở khoảng đất phía Bắc của đầm từ năm 1912, đến cuối tháng 3/1914 thì hoàn tất. Khu chợ này nhanh chóng trở thành biểu tượng mới của thành phố, còn khu đầm Bồ-rệt xưa kia chính thức đi vào dĩ vãng...

Mời quý độc giả xem video: Hoài niệm Sài Gòn xưa | VTV24.

Quốc Lê

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN