Tương truyền rằng vào đời Hùng Vương thứ 6 (Hùng Huy Vương), tại làng Phù Đổng ở bộ Vũ Ninh (nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có một gia đình, vợ chồng lớn tuổi mới sinh ra được một người con trai. Cậu bé được ba tuổi, tuy ăn uống béo tốt nhưng chỉ nằm ngửa, không biết đi cũng chẳng biết nói cười.
Bấy giờ giặc Ân kéo sang xâm lược, tình hình nguy cấp, vua Hùng bèn sai sứ giả đi tìm người tài giỏi có thể đánh được giặc. Sách Đại Nam quốc sử diễn ra có câu:
Sáu đời Hùng vận vừa suy,
Vũ Ninh có giặc mới đi cầu tài.
Làng Phù đổng có một người,
Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ.
Khi sứ giả đến vùng này, cậu bé bỗng dưng nói được, nhờ mẹ gọi sứ vào và bảo rằng:
- Ngài về xin đức vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao 18 thước, một thanh kiếm sắt dài 7 thước, một roi sắt và một nón sắt. Ta sẽ ra đánh giặc, nhà vua không phải lo gì nữa.
Nhà vua liền cho đúc các thứ đó rồi đưa đến. Cậu bé đòi mẹ cho ăn, ăn hết nồi cơm này đến nồi cơm khác mà vẫn không đủ; hàng xóm mang gạo, bánh, hoa quả, xôi thịt sang giúp. Ăn xong cậu bé vươn vai trở thành một người cao lớn rồi nhảy lên ngựa, vung gươm phi thẳng đến trại giặc, quan quân và nhân dân ào ạt tiến theo. Quân giặc kinh sợ chống không nổi, tan vỡ cả, những tên thoát chết đều xin hàng phục và tôn tráng sĩ cao lớn là Thiên tướng. Đến núi Sóc Sơn, thiên tướng cởi áo giáp, treo nón trên cành cây rồi cưỡi ngựa bay về trời. Vua Hùng nhớ công đánh giặc bèn sai lập đền thờ người anh hùng tại nhà cũ trong làng, lại thờ cả ở trong điện trên núi Nghĩa Lĩnh và tôn là Phù Đổng Thiên Vương. Các đời sau đều phụng thờ, hương khói không dứt.
|
Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời. (Hình minh họa – Nguồn: webielam). |
Sự tích Thánh Gióng phá giặc Ân có thể tóm lược như vậy, còn theo các bản thần tích, ngọc phả khác nhau thì cuộc chiến này diễn ra không hề nhanh gọn như vậy vì thế giặc rất mạnh, quân ta phải giao chiến với chúng nhiều trận mới thắng được. Ngoài công lao chính của Thánh Gióng, còn có nhiều lực lượng, nhiều người tham gia hỗ trợ đánh giặc mà dấu tích còn thể hiện qua các đền miếu thờ phụng ở nhiều làng xã tại Quế Võ (Bắc Ninh), Gia Lâm (Hà Nội) như làng Phù Đổng có Miếu Chợ thờ ông Trần Quốc tùy tướng của Thánh Gióng, làng Lệ Chi ở Gia Lâm thờ ông Châu, thôn Hiệp Phù thờ ông Bạch Sam… Dân gian còn lưu truyền chuyện về người đánh cá, trẻ chăn trâu, người câu cá, người cầm vồ đập đất… cũng hăng hái xin theo Gióng đánh giặc.
Điều lý thú là để nắm được nội tình của giặc và hỗ trợ cho Thánh Gióng trước khi xuất trận, vua Hùng Huy Vương đã lựa chọn và cử một thiếu nữ rất gan dạ, dũng cảm, thông minh, nhanh trí tên là Châu Việt xuống vùng Vũ Ninh để dò xét tình hình giặc Ân, giúp Thánh Gióng.
Để thuận tiện cho thực hiện nhiệm vụ, Châu Việt đã mở một quán hàng ở Tam Quan thuộc làng Châu Cầu (nay là làng Thanh Nhàn- một trong bốn làng thôn thuộc xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Đây là lối đi chính dẫn vào doanh trại giặc Ân đóng trên núi Ba Bậc thuộc dãy Trâu Sơn ở làng Thất Gian cùng xã Châu Phong.
Thấy có quán hàng, người chủ quán là một cô gái xinh đẹp, bọn giặc Ân ham mê tửu sắc thường kéo nhau ra quán la cà uống rượu, chêu chọc người đẹp. Nhân khi chúng ngà ngà say, Châu Việt khéo léo gợi chuyện quân binh, bọn chúng để lấy oai với nàng liền tranh nhau nói hết; có khi thì Châu Việt bề ngoài lo rượu thịt phục vụ nhưng tai vẫn chú ý lắng nghe bọn giặc trò chuyện; thế là nhiều bí mật quân cơ, bọn chúng không khảo mà xưng bằng hết.
|
Châu Việt trong vai chủ quán rượu. (Hình minh họa – Nguồn: truyenthieunhixua). |
Khi Thánh Gióng kéo quân đến Vũ Ninh đánh giặc, Châu Việt đã tìm tới quân doanh nói rõ từng nơi bố phòng, vị trí đóng quân cho đến kho lương thảo của chúng, nhờ đó chẳng mấy chốc Gióng dẹp tan giặc, lúc trở về ngài có ghé qua Tam Quan cám ơn Châu Việt, rồi lại tung vó ngựa sắt về Sóc Sơn mà hóa về trời:
Trận mây theo ngọn cờ đào,
Ra uy sấm sét, nửa chiều giặc tan.
Áo nhung cởi lại Linh san,
Thoắt đà thoát nợ trần hoàn lên tiên.
(Trích Đại Nam quốc sử diễn ca)
Ngày nay, con đường từ Tam Quan ra đường cái lớn vẫn mang tên “Đường Giã Ơn”, tương truyền là nơi Thánh Gióng đi về để tạ ơn Châu Việt. Cũng vì nhớ đến công lao của Châu Việt, sau khi nàng hóa, người dân làng Châu Cầu đã lập miếu thờ tôn làm phúc thần, cả làng gọi thần là “u”. Chính vì thế trước đây ở làng Châu Cầu, người ta gọi mẹ là “bu” chứ không gọi là “u” như nhiều nơi khác.
Từ câu chuyện nhuốm màu huyền tích này, có thể coi Châu Việt là nhân vật tình báo đầu tiên và cũng là nữ tình báo đầu tiên trong lịch sử nước ta. Điều thú vị là nhân vật ấy lại gắn liền với một chiến thắng đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm và có mối liên quan với Thánh Gióng – một trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt.
Mời quý độc giả xem video: Văn hóa uống trà xưa và nay của người Việt. Nguồn: VTC.