|
Sau khi xem xét hàng trăm mẫu hóa thạch, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cuộc đại tuyệt chủng gần đây nhất xảy ra trên Trái Đất và chưa được ghi nhận trước đó. |
|
Cuộc đại tuyệt chủng này xảy ra vào giai đoạn khí hậu địa cầu chuyển từ giai đoạn đầm lầy sang băng giá và gieo chết chóc khắp khu vực châu Phi và Ả Rập vào thế Tiệm Tân, thuộc kỷ Cổ Cận. |
|
Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Dorien de Vries từ Đại học Salford (Anh), những mẫu vật thu thập được từ 5 nhóm động vật có vú đã ghi nhận được sự biến mất của 63% động vật khắp châu Phi và Ả Rập trong cuộc đại tuyệt chủng đó. |
|
Tuy nhiên, không giống những với các đại tuyệt chủng khác từng xảy ra, nhiều loài động vật đã không bị biến mất hoàn toàn như khủng long mà xuất hiện trở lại trong hồ sơ hóa thạch một thời gian dài sau đó. |
|
Tức bằng cách nào đó, một lượng nhỏ cá thể vẫn tồn tại, tiến hóa vượt bậc để thích nghi và sinh sôi trở lại. |
|
"Sau vài triệu năm, những nhóm này bắt đầu xuất hiện trở lại trong hồ sơ hóa thạch, nhưng với một diện mạo mới", tiến sĩ Dorien de Vries cho biết. |
|
Trong khi đó, tiến sĩ Steven Heritage từ Đại học Stony Brook và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên thuộc Trung tâm Duke Lemur (Mỹ), đồng tác giả, nhận định: "Rõ ràng đã có một sự kiện tuyệt chủng lớn, sau đó là thời kỳ phục hồi". |
|
Cuộc đại tuyệt chủng này diễn ra khoảng 30 triệu năm trước, tức đầu thế Oligocen (thế Tiệm Tân, thuộc kỷ Paleogen, tức kỷ Cổ Cận), nhưng có vẻ đã manh mún từ cuối thế Eocen (Thủy Tân). |
|
Có thể nói "nút thắt" Thủy Tân - Tiệm Tân tuy đem đến sự diệt chủng thảm khốc, nhưng đã tạo nên bước nhảy vọt tiến hóa cho sinh vật Trái Đất. |
|
Hiện tại, con người đang ở giai đoạn đầu của cuộc tuyệt chủng hàng loạt mới nhất, diễn ra nhanh hơn nhiều so với bất kỳ loài nào khác. Kể từ năm 1970, quần thể các loài động vật có xương sống đã giảm trung bình 68% và hiện có hơn 35.000 loài được coi là đang bị đe dọa. |
|
Chỉ trong thế kỷ 20, có tới 543 loài động vật có xương sống trên cạn đã tuyệt chủng. Kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp vào năm 1760, con người đã là nhân tố chính gây ra cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay của Trái đất. |
|
Từ việc phát thải khí nhà kính và sự suy giảm tầng ozon đến nạn phá rừng, chất thải nhựa và buôn bán động vật bất hợp pháp, con người đã chủ động tước đoạt thế giới của một số loài và đe dọa nhiều loài khác. |