-
Hà Nội có đủ các loại xôi vô cùng đa dạng và phong phú như xôi xéo, xôi thịt, xôi rán, xôi sườn… Tuy nhiên, nhiều người vẫn ấn tượng hơn với 3 món xôi hấp dẫn đặc trưng của mùa thu.
Dường như ai đã từng thưởng thức xôi cốm Hà Nội sẽ nhớ đến hương vị của món ăn này khi mua thu đến. Món xôi hấp dẫn này có vị ngọt dịu, bùi bùi của đậu xanh và dừa tươi.
-
Xôi cốm dẻo thơm, hạt cốm nở đẫy đà, xanh trong. Phủ trùm lên cốm là lớp đậu xanh màu vàng ươm, thơm mát, nhỏ mịn, tơi. Trên cùng rải những sợi dừa trắng sữa, săn, láng mỡ. Món ăn là sự hòa hợp của sắc từ thiên nhiên như xanh – vàng – trắng, quyện mùi hương thơm lá sen kích thích cả vị giác lẫn thị giác.
-
Đây là món quà đặc biệt của người Hà Nội dành cho người phương xa. Xôi cốm mang hương thơm đặc trưng của lúa non, của sen mùa thu. Xôi làm bằng cốm và hạt sen – một thứ đặc sản mà chỉ mùa thu mới có.
-
Để có được những hạt cốm dẻo, mềm, lúa nếp phải được gặt từ lúc đơm bông còn ngậm sữa, đem về tuốt hạt, sàng sẩy bỏ hạt lép, hạt kẹ, rồi đem đãi sau đó hong khô. Khi nấu xôi phải chú ý lúc xôi vừa chín tới, hạt nở đều, mềm dẻo là bắc ngay ra, nếu không sẽ bị nát và mất đi hương vị thơm ngon đặc trưng của cốm.
-
Sau đó rắc chút đường kính vừa đủ độ ngọt dịu và đồ xôi thêm lần nữa cho ngấm đường và chín dẻo rồi rải ra mâm. Vị ngon của xôi cốm sẽ không trọn vẹn nếu thiếu chút hạt sen, đỗ xanh ninh nhừ giã nhỏ và chút dừa nạo đảo qua đường và ít mỡ.
-
Xôi sắn: Có rất nhiều món xôi để thay đổi hàng ngày nhưng xôi sắn thì thường được thưởng thức vào cuối thu đầu đông, khi mà củ sắn ta mới dỡ khỏi ruộng và thời tiết thì bắt đầu có gió heo may se lạnh.
-
Nguyên liệu làm nên món xôi này chủ yếu là gạo và sắn, nghe thì đơn giản nhưng cần đến sự tỉ mỉ, tận tâm của người làm mới có thể tạo nên món ăn ngon.
-
Gạo nếp phải ngâm từ sớm, sắn cần rửa sạch, cắt nhỏ rồi cùng đồ chung với nhau. Không giống các loại xôi khác, hạt xôi cần mềm và dẻo hơn để khi ăn cùng sắn người ta có thể cảm nhận được sự ngọt bùi.
-
Xôi sắn ăn vào mùa nào cũng ngon nhưng cảm giác thèm thèm món ăn này lại hay đến khi mùa thu se lạnh. Thưởng thức vị sắn bùi bùi cùng chút mỡ hành, thịt băm thơm lừng quả là cảm giác ấm áp không gì sánh bằng.
-
Xôi trám đen: Không giống như những loại xôi khác, xôi trám có vị thơm dịu dàng của nếp nương hòa với mùi thơm ngai ngái của trám rừng. Xôi trám đen ăn rất bùi, ngậy mà không ngấy. Vào mùa trám, món xôi trám đen thường được lựa chọn trong thực đơn của cỗ cưới, đám hỏi, món ăn của các nhà hàng...
-
Cách làm xôi trám đen cũng không quá cầu kỳ. Trám tươi cho vào nồi đổ ngập quá nửa nước, đun nhỏ lửa. Đảo đều trám trong nồi cho đến khi nước nóng già, tắt bếp để ủ. Trám chín từ từ, tinh dầu trám tan vào nước, trám sẽ bở và có mùi thơm rất dễ chịu. Lúc này có thể ăn trám và chế biến trám.
-
Sau khi om chín, trám đen được bóc lớp vỏ mỏng dính bên ngoài rồi tách hạt lấy phần cùi. Muốn nấu xôi trám ngon, phải chọn được nếp nương đúng mùa, đem ngâm với nước chừng 3 tiếng, sau đó vo lại thật sạch, xóc với chút xíu muối để xôi vừa dền, dẻo lâu lại đậm đà.
-
Tiếp theo, đặt chõ lên bếp, khi nước trong chõ bắt đầu sôi thì nhẹ nhàng đổ gạo vào, xếp thịt trám lên trên cùng. Khoảng 30 phút là xôi chín, nhấc ra, rưới thêm 1 thìa cà phê mỡ thăn heo rồi đùng đũa tre đánh đều sao cho trám và xôi quyện lẫn với nhau.
-
Xôi trám đồ xong có màu tím khá đẹp mắt. Món này ngon nhất khi ăn cùng muối vừng đen hoặc lạp xưởng Cao Bằng. Thông thường cứ khoảng 1 cân gạo nếp sẽ kết hợp với khoảng 2 – 3 lạng trám. Ảnh: Internet.
-
Video "Chế biến món ngon từ nấm đông cô". Nguồn: VTC.