Chuyên gia bối rối khi phát hiện bộ não lâu đời nhất thế giới
Các nhà nghiên cứu đã quét hộp sọ của một loài cá hóa thạch 319 triệu năm tuổi và phát hiện ra bộ não lâu đời nhất của động vật có xương sống được bảo quản rất tốt.
|
Các nhà cổ sinh vật học đã kiểm tra não hóa thạch và các mô mềm dây thần kinh sọ của Coccocephalus wildi, một loài cá vây tia sơ khai sống cách đây 319 triệu năm. |
|
Coccocephalus wildi sống ở vùng đất ngày nay là nước Anh trong Kỷ Than đá, khoảng 319 triệu năm trước. Loài này dài 15-20 cm và có lẽ là động vật ăn thịt. Nó có khả năng sinh sống cửa sông và ăn các loài giáp xác nhỏ, côn trùng thủy sinh và động vật chân đầu, bao gồm mực, bạch tuộc và mực nang. |
|
Được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925, mẫu vật duy nhất của loài cá này được thu hồi từ mỏ than Mountain Fourfoot ở Lancashire. Hóa thạch cá được tìm thấy trong một lớp đá xà phòng gần một vỉa than trong mỏ. |
|
Các mô mềm như não thường phân hủy nhanh chóng và rất hiếm khi hóa thạch. Nhưng khi cá thể Coccocephalus wildi này chết, các mô mềm của não và các dây thần kinh sọ của nó được thay thế trong quá trình hóa thạch bằng một loại khoáng chất đậm đặc giúp bảo tồn cấu trúc ba chiều của chúng một cách chi tiết đến lạ. |
|
Tiến sĩ Matt Friedman, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Michigan, cho biết: "Kết luận quan trọng ở đây là những loại mô mềm này có thể được bảo quản trong các hóa thạch mà chúng ta đã có từ lâu". |
|
Tiến sĩ Sam Giles, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Birmingham, chia sẻ: "Phát hiện bất ngờ về bộ não lâu đời nhất của động vật có xương sống được bảo quản ba chiều này cho chúng ta cái nhìn sâu sắc đáng kinh ngạc về giải phẫu thần kinh của cá vây tia". |
|
"Nó cho chúng ta biết đến một mô hình tiến hóa não phức tạp hơn so với những gì ta từng biết, cho phép chúng ta xác định rõ hơn cách thức và thời điểm các loài cá xương ngày nay tiến hóa." |
|
"So sánh với các loài cá còn sống cho thấy não của Coccocephalus wildi gần giống nhất với não của cá tầm và cá mái chèo, những loài thường được gọi là cá 'nguyên thủy' vì chúng đã tách ra khỏi cá vây tia còn sống cách đây hơn 300 triệu năm." |
|
Đáng chú ý là não của Coccocephalus wildi gập vào trong, không giống như ở tất cả các loài cá vây tia sống, não gập ra ngoài. |
|
Tiến sĩ Rodrigo Figueroa, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Michigan, cho biết: “Hóa thạch nhỏ này không chỉ cho chúng ta thấy ví dụ lâu đời nhất về bộ não của động vật có xương sống đã hóa thạch, mà nó còn cho thấy rằng phần lớn những gì chúng ta nghĩ về sự tiến hóa của não bộ từ các loài sống đơn thuần sẽ cần phải nghiên cứu lại”. |
Lê Trang (theo Sci-News)
VNDL_PC_Detail_Natives
VNDL_MB_Detail_Natives_Mobile