Chồng ở Quảng Bình bạo hành vợ 11 năm: Sao người vợ không đánh trả?

Mới đây, vụ việc người đàn ông ở Quảng Bình bạo hành vợ dã man suốt 11 năm chỉ vì cô ấy không có con khiến dư luận rất bất bình. Bạo lực đối với phụ nữ luôn là một hiện tượng nhức nhối trong xã hội.
Ngày 7/11 Đại tá Đặng Văn Hoành - Trưởng Công an huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án đối với đối tượng Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi, trú xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) về hành vi "cố ý gây thương tích". Hiện công an đã cấm Dũng đi khỏi nơi cư trú.
Nạn nhân là chị Hoàng Nhật Ánh (34 tuổi) vợ của Dũng. Chị Ánh được Viện Pháp y Trung ương kết luận bị thương tật vĩnh viễn 42% do tác động ngoại lực.
Theo đơn của chị Ánh, chị và Dũng đã chung sống 11 năm nhưng chưa có con. Quá trình chung sống, Dũng liên tục bạo hành vợ một cách tàn nhẫn.
Chong o Quang Binh bao hanh vo 11 nam: Sao nguoi vo khong danh tra?
Ảnh minh họa 
Trước vụ việc này, không ít người thương cảm cho hoàn cảnh chị Ánh và nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo hành. Tuy nhiên, cũng nhiều người đặt câu hỏi, tại sao phụ nữ cứ mãi chịu đựng khổ đau, chấp nhận bị bạo hành như vậy?
Thực tế, các con số thống kê cho thấy bạo hành phụ nữ chiếm 95% trong các gia đình. Điều này bị chi phối bởi quan niệm phụ nữ Á đông có bản tính cam chịu, cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng vì con cái và giữ một mái ấm. Nhưng cũng có những trường hợp như chị Ánh, ngay cả khi không ràng buộc về con cái nhưng vẫn bị chồng bạo hành, tiếp tục nhẫn nhịn để đến lúc rước họa vào thân, ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng…
Chính sự im lặng của người vợ vô hình chung đã làm thỏa mãn bản tính bạo lực hung hăng của người chồng. Hơn nữa, chị em khi bị chồng bạo hành đã không chủ động tìm tới các sự trợ giúp bởi vì đa số đều không nắm rõ các quyền của mình để được tôn trọng.
Các chuyên gia nghiên cứu hành vi cho rằng vấn đề nằm ở ý thức hệ và hình ảnh người phụ nữ được gắn với sự cam chịu. Chịu đựng và tha thứ. Phụ nữ Việt Nam dường như đã quá quen thuộc với các giá trị này, họ thậm chí còn tự ràng buộc mình bởi cảm xúc “không nỡ” khi thấy chính người bạo hành mình có những đau khổ, khó khăn trong cuộc sống, thế là mủi lòng, là thương, là tha thứ. Và cái vòng luẩn quẩn của cam chịu và tha thứ cứ mãi tiếp diễn...
Có những phụ nữ bị bạo hành cả chục năm trời nhưng âm thầm chịu đựng, không chia sẻ, ngay cả với người thân hay các tổ chức xã hội, bởi họ sợ có thể sẽ bị đánh thêm, nhưng cũng có cả tâm lý "xấu chàng hổ ai" nên cố cam chịu. Tuy nhiên, chị em cần hiểu rằng nếu cứ giữ tâm lý e sợ, nhẫn nhịn khi cho rằng “một điều nhịn, chín điều lành” thì đó chính là con đường tự mình làm tăng nguy cơ bị bạo hành của chính mình. Có những trường hợp bị chồng bạo lực kéo dài trong nhiều năm nhưng không phản ứng quyết liệt, thậm chí cam chịu chấp nhận đến... hết đời.

Mời độc giả theo dõi video "Học sinh tàn tật từ bạo lực học đường gia tăng". Nguồn: THTPCT.

Lý do nào khiến phụ nữ vẫn im lặng chịu nhiều tổn thương đến thế?
Trong cuộc sống hôn nhân, bạo lực gia đình rất hiếm khi được nhận biết do bị che phủ bởi những mong đợi truyền thống mang tính văn hóa, những quy tắc chuẩn mực, những tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng trong xã hội. Tất cả những điều này đã làm cho bạo lực gia đình trở nên “bình thường”. Do đó, mặc dù trên cơ sở pháp lý, phụ nữ được bảo vệ, nhưng trên thực tế, vị thế của phụ nữ vẫn luôn thấp hơn nam giới do những mong đợi xã hội về giới còn phổ biến. Những nhân tố trên đã góp phần tạo nên một thực trạng: sự thống trị của nam giới và bạo lực với phụ nữ dường như là điều không thể tránh khỏi.
Chong o Quang Binh bao hanh vo 11 nam: Sao nguoi vo khong danh tra?-Hinh-2
 
Bạo lực đối với phụ nữ là một trong những hình thức của bạo lực trên cơ sở giới. Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù nam giới và trẻ em trai cũng là nạn nhân, song phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương và bị bạo lực hơn, chủ yếu do nam giới (chồng/bạn tình…) gây ra. Nguyên nhân căn bản của bạo lực trên cơ sở giới là sự bất bình đẳng về quyền lực, về vị thế và sự kiểm soát nguồn lực giữa nam giới và phụ nữ…
Để giải thoát bản thân khỏi nạn bạo hành, không ai khác có thể giúp phụ nữ bằng chính bản thân mình. Trong hoàn cảnh không may trở thành nạn nhân của bạo lực, tốt nhất phải tự cứu lấy mình, quyết tâm và không thỏa hiệp…
Người phụ nữ cần phải nâng cao hiểu biết và khéo léo tìm cách tiêu diệt mầm mống bạo lực gia đình bằng cách lên tiếng trước dư luận, tìm gặp luật sư, hay đơn giản là nhờ chính quyền cơ sở can thiệp khi bị bạo lực.
Ngoài ra, chị em cũng cần trau dồi thêm các kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, đặc biệt kiến thức gia đình, nuôi dạy con cái. Ngoài ra còn cần chú ý đến kiến thức về pháp luật, tìm hiểu Luật phòng chống bạo lực gia đình. Khi bị chồng bạo hành, người phụ nữ cần tìm đến cơ quan tư vấn, tìm đến sự giúp đỡ của người thân, của hàng xóm, các ban ngành đoàn thể để sớm có sự can thiệp kịp thời.
Thảo Nguyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN