Câu chuyện về một nắm muối và nguồn gốc của sự khổ đau
Phật Giáo kể lại, có một vị thiền sư tuổi đã cao sống cùng một người đồ đệ lúc nào cũng than phiền về cuộc sống. Vào một buổi sáng, thiền sư sai đồ đệ của mình đi lấy muối. Khi cậu mang muối về một cách miễn cưỡng, người bảo tiếp cậu hãy đổ muối vào cốc nước và uống cạn, rồi nói mùi vị của nó thế nào.
Người đồ đệ làm theo và thốt lên, nhăn mặt: "Thật sự rất mặn chát!"
Thiền sư mỉm cười rồi bảo cậu hãy mang một nắm muối đi theo mình. Khi đến bên một hồ nước, ông bảo cậu hãy đổ muối vào hồ nước và nói: "Bây giờ con nếm thử xem, và cho ta biết vị của nước trong hồ như thế nào."
Đồ đệ làm theo, lần này cậu đáp: "Thưa thầy, nước mát và ngọt lắm!"
Thiền sư hỏi tiếp: "Con có thấy nước mặn không?"
Đồ đệ lắc đầu: "Dạ không ạ!"
Thiền sư ôn tồn giải thích: "Đồ đệ của ta, đau khổ trong cuộc đời cũng giống như nắm muối này, chỉ có một lượng nhất định mà thôi. Không nhiều hơn, cũng không ít đi. Và sức chứa của lòng ta sẽ quyết định mức độ đau khổ.
Thế nên, nếu con cảm thấy đau khổ, hãy mở rộng tấm lòng như một hồ nước, con sẽ thấy nhẹ nhõm. Bằng không, nếu nhỏ bé như một cốc nước, con sẽ chỉ thấy khổ đau".
Lời bình:
Con người sinh ra bởi tiếng khóc, nó như lời cảnh báo của sự khổ đau. Ông trời rất công bằng, mỗi người sinh ra dù giàu hay nghèo, tất thảy đều phải nếm trải đắng cay trong đời. Muốn hết khổ, đừng dựa vào trời đất, đừng than thân trách phận, mà chỉ có thể dựa vào chính mình mà thôi.
Người người sống trên đời, dù bị vùi dập đến mức nào cũng không thể mất hết lòng tự trọng. Dù bất công thế nào không phải biết điểm dừng và học cách chấp nhận. Dù nghiệt ngã ra sao cũng phải học cách khoan dung. Phật không khuyến khích con người có "lòng khoan dung", mà đó chính là trách nhiệm của chúng ta.
Mở rộng tâm trí, sẽ bình an tự tại.