Cá tầm Kaluga tiếng Trung gọi là Cá hoàng là một loài cá ăn thịt có hành vi ngược dòng sông để đẻ trứng trong họ Acipenseridae của bộ Acipenseriformes.
Loài cá này có chiều dài phát triển cực đại lên tới 5,6m và nặng trung bình 400kg. Thậm chí, có con đạt trọng lượng tới 1 tấn khi trưởng thành.
Trong suy nghĩ của chúng ta, loài cá cho thịt và trứng rất ngon này chỉ nặng vài kg, nhiều lắm cỡ chục kg. Nhưng ít ai có thể ngờ, loài cá tầm Kaluga lại nặng đến cả tấn.
Đây là loài cá đặc biệt, có khả năng sinh sống trong nhiều môi trường nước, gồm cả nước ngọt, lợ, và vùng biển mặn. Dù sống ở môi trường nước nào thì chúng vẫn có tập quán ngược dòng các con sông để sinh sản khi đến mùa.
Chúng được tìm thấy nhiều ở vùng sông Amur tới tận vùng thượng nguồn Argun, Shinka, vùng nước lợ cửa sông ven biển Okhotsk và biển Nhật Bản. Nhưng người ta tìm thấy loài cá này nhiều nhất vẫn là các con sông ven biển của Trung Quốc.
Tuổi thọ của loài cá tầm Kaluga rất đáng nể, lên tới 80 năm. Chúng sống chủ yếu ở tầng nước ngầm có độ sâu 45-50m với nhiệt độ nước từ 10 đến 20 độ C. Tuy có thân hình khổng lồ, nhưng loài cá này được cho là hiền lành vì chúng không có răng và ít gây hại cho đồng loại.
Chúng dùng chiếc mõm dài để lùng sục tầng đáy kiếm mồi. Thức ăn của chúng là những con cá nhỏ và những loài nhuyễn thể không xương. Hình dáng chiếc mõm của loài cá này sẽ bị mòn, tù và ngắn khi chúng "có tuổi". Ngoài cái mõm nhọn bạn có thể nhận diện chúng với một thân hình dài, lưng có màu từ xám-lục đến đen, bụng có màu trắng.
Cá tầm Kaluga là một trong những loài cá có độ tuổi phát dục muộn và chu kỳ sinh sản rất xa. Khoảng 2 năm chúng mới sinh nở một lần, và chu kỳ càng thưa, khoảng 3 – 4 năm một lần với những con đã già.
Năm đầu tiên, thức ăn của chúng là các loài động vật không xương sống còn sau đó chúng chuyển sang ăn cá, ví dụ Oncorhynchus keta. Từ 4 đến 5 năm tuổi trở đi, chúng ăn các loại cá trưởng thành.
Trứng, thịt, bóng của loài cá này là món ăn đặc sản của con người. Thịt của chúng được xếp vào thực đơn hàng ngày của vua chúa thời xưa. Vì thế mà loài cá này đã bị con người săn lùng và truy bắt từ hàng ngàn năm nay. Chúng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại môi trường tự nhiên.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu, nuôi sinh sản và bảo tồn giống cá quý hiếm này. Tuy nhiên, loài cá tầm Kaluga không thích nghi với môi trường nhân tạo, nên nỗ lực của các nhà khoa học chưa đạt được mong muốn.