|
Nằm trong một hẻm nhỏ thông ra đường Phan Chu Trinh gần trung tâm phố cổ Hội An, giếng Bá Lễ là một giếng cổ có tuổi đời nhiều thế kỷ, đã chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của phố Hội. |
|
Theo các bậc cao niên ở Hội An, giếng đã có từ thời người Chăm còn định cư ở nơi đây. Nguồn gốc của giếng Bá Lễ thể hiện qua kỹ thuật xây dựng đặc trưng vẫn còn được lưu lại. |
|
Dù thành giếng đã được xây mới, sâu trong lòng giếng vẫn là những lớp gạch Chăm cổ liên kết với nhau một cách chắc chắn mà không dùng vôi vữa. Dưới chân giếng là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. |
|
Rất nhiều giếng nước đã được đào khi cộng đồng Chăm còn thịnh vượng ở vùng đất này. Ngoài việc phục vụ nhu cầu hàng ngày, người Chăm còn dùng nước giếng như mặt hàng trao đổi với các tàu buôn nước ngoài đến cảng thị Hội An. |
|
Theo thời gian, các giếng nước Chăm cổ mất dần. Chỉ còn giếng Bá Lễ còn tồn tại đến hôm nay. Có một điều kỳ lạ so với các giếng nước mới, đó là nước giếng Bá Lễ rất trong, sạch, ngọt, có thể uống trực tiếp không qua xử lý và được cọi là một “đặc sản” của địa phương. |
|
Nhiều món đặc sản của Hội An như cao lầu, mì quảng, xí mà... được cho là chỉ chuẩn vị phố cổ Hội An nếu dùng nước giếng Bá Lễ chế biến. |
|
Nhiều người dân địa phương có thói quen uống nước giếng Bá Lễ hàng ngày. Tiếng lành đồn xa, một số du khách cũng đến uống thử những ngụm nước ngọt lành từ chiếc giếng huyền thoại. |
|
Giếng Bá Lễ không chỉ phục vụ cho sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương mà còn là kế sinh nhai của những người gánh nước. |
|
Theo chân những người này, nước giếng Bá Lễ lan tỏa tới các quán ăn, nhà hàng trong phố cổ, trở thành nguyên liệu ẩm thực phục vụ du khách phương xa. |
|
Có thể nói, giếng Bá Lễ vừa là di tích lịch sử quý giá về đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chăm Pa cổ, vừa là một bộ phận không thể tách rời của các yếu tố làm nên giá trị của Di sản văn hóa thế giới Hội An thời hiện đại... |
Mời quý độc giả xem video: Có Một Ninh Bình Non Nước Hữu Tình Đến Thế. Nguồn: VTV Review.