|
Cây hương đá là một loại hình hiện vật cổ độc đáo được ghi nhận tại nhiều đền chùa của người Việt. So với các loại hình hiện vật khác như chuông, khánh, bia... thì cây hương đá ít được biết đến hơn nhiều. Ảnh: Cây hương đá thời Lê Trung Hưng, hiện vật của BT Lịch sử Quốc gia. |
|
Theo nhà nghiên cứu Đỗ Minh Nghĩa (Viện Bảo tồn Di tích – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), cây hương đá được người xưa gọi bằng những cái tên khác nhau như “Thạch trụ hương”, “Thạch trụ đài”, “Thiên đài”, “Hương đài”, “Chúc đài”... |
|
Chúng thường được đặt ở khoảng sân phía trước nơi thờ tự, mặt chính của di vật cùng hướng với mặt chính của di tích, với mục đích là thắp hương - dâng lên thần linh lòng sùng kính tối thượng của mình thông qua hương thơm. |
|
Cấu tạo của cây hương đá đa dạng cả về hình dáng lẫn kích thước, mỗi di vật mang một nét đặc trưng riêng mà không hề bị trùng lặp hoàn toàn với di vật khác. Dù vậy, việc tạo tác cây hương đá vẫn tuân theo nhưng quy chuẩn nhất định. |
|
Về cơ bản, một cây hương đá gồm phần đế, phần thân và phần đỉnh. Trong đó phần đế nằm ở vị trí dưới cùng, diện tích bề mặt thường làm lớn hơn phần thân để tạo sự vững chắc. Dạng khá phổ biến là phần đế giật khoảng từ 1 đến 3 cấp. |
|
Phần thân nằm giữa phần đế và phần đỉnh, có mặt cắt ngang phổ biến là hình vuông, hiếm gặp hơn có hình lục giác, bát giác và hình tròn. Khoảng giữa thân thường là nơi khắc nội dung bài ký về mục đích tạo dựng cây hương. |
|
Phần đỉnh cây hương tạo dáng như hình bát hương. Phía trên đỉnh đục lỗ để đổ tro và cắm hương. |
|
Tương tự bia đá, nhiều cây hương đá được trang trí bằng những họa tiết cầu kỳ. Kỹ thuật, thủ pháp chạm khắc thường được sử dụng là chạm nổi, chạm thủng, chạm nét. |
|
Phần lớn loại hình di vật này được chạm khắc công phu ở diềm phần thân, bộ phận thớt phía trên phần thân, bát hương. Các trang trí khá nghiêm luật, bố cục chặt chẽ, đăng đối. |
|
Nghệ thuật chạm khắc trên cây hương đá có thể xem là tín hiệu ngôn ngữ, thông điệp đối với cộng đồng dân chúng ở làng quê, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người không biết chữ. |
|
Các di vật này thực sự là kho tàng gốc về kiến trúc, nghệ thuật để cho các nhà nghiên cứu về mỹ thuật, lịch sử, văn hóa tìm hiểu, đồng thời làm tư liệu đối chiếu với những loại hình di vật khác để xác định niên đại tương đối. |
|
Cho tới ngày nay, dù có nhiều thay đổi về hình thức và chất liệu, cây hương đá vẫn còn tồn tại trong đời sống tinh thần của người dân tại nhiều địa phương ở Việt Nam. (Bài có sử dụng tư liệu của Tạp chí Nghiên cứu Phật học). |
Mời quý độc giả xem video: Nét đẹp làng gốm Phù Lãng | VTV4.