-
Sau chiến tranh, di tích Huế bị tàn phá nghiêm trọng. Năm 1981, Tổng giám đốc UNESCO ra lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế. Với những nỗ lực tích cực từ Việt Nam lẫn quốc tế, ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Năm 2018 là kỷ niệm 25 năm sự kiện này, cũng đồng thời kỷ niệm 15 năm Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể nhân loại (2003-2018).
-
Khởi công xây dựng năm 1805, kinh thành Huế được quy hoạch bên bờ bắc sông Hương, xoay mặt về hướng nam theo triết lý cổ phương Đông và truyền thống kiến trúc Việt Nam. Sông Hương trước mặt là minh đường tụ thủy, bên kia sông là núi Ngự như bức bình phong thiên nhiên che chắn, giữ chức năng tiền án. Ngoài ra, trên sông Hương còn có cồn Hến và cồn Dã Viên với thế tả thanh long - hữu bạch hổ, tức rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải cùng chầu về kinh thành.
-
Ngọ Môn là cổng chính phía nam, cũng là cổng lớn nhất trong 4 cổng Hoàng thành, xây dựng năm 1833. Kiến trúc Ngọ Môn gồm 2 phần chính là đài - cổng và lầu Ngũ Phụng. Đài - cổng bình diện hình chữ U vuông góc, lối chính giữa chỉ dành cho vua đi. Lầu Ngũ Phụng đặt phía trên đài - cổng, bờ nóc có nhiều hình chim phụng, lợp ngói ống màu vàng, xanh.
-
Điện Thái Hòa là công trình quan trọng nhất trong khu vực Đại nội Huế, nơi đặt ngai vàng của các vua Nguyễn, biểu tượng quyền lực triều đại, nay đã được công nhận bảo vật quốc gia. Điện xây dựng tháng 2/1805, hoàn thành vào tháng 10 cùng năm, theo kiểu thức trùng thiềm điệp ốc (hai bộ mái trên một mặt nền), lợp ngói hoàng lưu ly, có 80 cột gỗ lim trang trí rồng mây. Nơi đây từng chứng kiến lễ đăng quang của 13 vua Nguyễn, các lễ đại triều, vạn thọ...
-
Thế Tổ miếu, thường gọi Thế miếu là miếu thờ chung các vị vua Nguyễn, tọa lạc góc tây nam Hoàng thành. Thế miếu hiện là khu vực thờ tự bề thế nhất, nguyên vẹn nhất của triều Nguyễn. Xưa, nơi đây vốn là miếu thờ thân sinh vua Gia Long. Sau khi di dời miếu này, năm 1821-1822, Thế Tổ miếu được xây dựng để thờ vua Gia Long, rồi trở thành nơi thờ các vị vua Nguyễn.
-
Duyệt Thị Đường là nhà hát Hoàng cung, xây dựng năm 1826. Tại đây, vua và Hoàng tộc thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyền thống, nhất là tuồng cổ hoặc trình diễn nghệ thuật chiêu đãi sứ thần... Được xem là nhà hát cổ xưa nhất Việt Nam, Duyệt Thị Đường sau khi trùng tu, sửa chữa đã đi vào hoạt động phục vụ du lịch.
-
Năm 2016, Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính thức công nhận "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" là di sản tư liệu thế giới. Di sản này thể hiện tư tưởng của các vị vua Nguyễn về lịch sử, độc lập dân tộc, văn hóa, quan niệm trị quốc, dân sinh... với nội dung phong phú, thể hiện một loại hình nghệ thuật trang trí đặc biệt trên nhiều chất liệu khác nhau.