Bác sĩ chỉ rõ những trường hợp ngất xỉu nguy hiểm tính mạng

Nếu chỉ bị ngất xỉu 1-2 lần do các nguyên nhân như tụt đường huyết, cơn choáng thoáng qua thì chưa nguy hiểm, nhưng ngất xỉu đột ngột có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nghiêm trọng. Hiểu rõ các nguyên nhân ngất xỉu để xử trí kịp thời.

Ngất phản xạ

Ngất phản xạ là tình trạng thường xảy ra khi cơ thể phản ứng với một yếu tố kích thích cụ thể nào đó. Khi đó, hoạt động của tim có thể bị chậm lại và các mạch máu mở rộng hơn, làm giảm huyết áp và giảm lượng máu đến não. Các tình huống cơ thể phản xạ gây ngất thường gặp là:

- Lúc chích kim tiêm

- Đứng lên quá nhanh

- Đứng quá lâu

- Nhìn thấy máu hoặc điều đáng sợ

- Gặp một chấn thương hoặc cơn đau bất ngờ

- Ăn uống không đủ no dẫn đến quá đói

- Cơ thể bị mất nước

- Nâng vật quá nặng hoặc hoạt động thể lực quá sức

- Tiền ngất sau khi đi tiểu.

Ngất do tim

Người ngất mắc các bệnh lý, vấn đề liên quan tim mạch làm lượng máu lưu thông đến não bị ảnh hưởng.

Những vấn đề liên quan tim mạch có thể dẫn đến nguy cơ bị xỉu như rối loạn nhịp, cấu trúc tim có vấn đề khiến dòng máu bị tắc nghẽn, thiếu máu cơ tim cục bộ, hẹp động mạch chủ, hở van tim hoặc suy tim.

Nếu nguyên nhân gây ngất có liên quan đến các vấn đề tim mạch, bạn cần khám và điều trị can thiệp kịp thời để tránh các rủi ro nghiêm trọng khác.

Bác sĩ chỉ rõ những trường hợp ngất xỉu nguy hiểm tính mạng

Ngất do hạ huyết áp tư thế

Khi bạn đứng, các mạch máu thường nhỏ hơn, giúp hạn chế tình trạng máu tụ lại ở chân. Nhưng đối với người bị hạ huyết áp tư thế thì điều này lại không xảy ra. Đồng nghĩa với việc máu sẽ dễ bị tụ lại ở chân, và khi đứng lên một cách đột ngột thì lượng máu cung cấp đến não không đủ, gây ra tình trạng ngất xỉu.

Là tình trạng thay đổi tư thế đột ngột (đang ngồi đột ngột đứng lên hoặc ngược lại) khiến cơ thể cảm thấy hoa mắt, choáng váng, không đứng vững, nặng hơn là ngất xỉu. Tình trạng này xảy đến do huyết áp giảm làm máu không kịp bơm đến não, khiến não thiếu máu cục bộ.

Bệnh thần kinh

Nếu ngất xỉu xuất phát từ nguyên nhân các bệnh thần kinh thì cần hết sức chú ý, vì đây là tình trạng nghiêm trọng. Đột quỵ, động kinh hoặc thiếu máu não thoáng qua có thể gây ra triệu chứng là ngất xỉu. Một số nguyên nhân khác ít phổ biến hơn có thể khiến bạn bị ngất xỉu như: đau nửa đầu, não úng thủy áp suất bình thường.

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là tình trạng nhịp tim thay đổi, đập nhanh hơn khi thay đổi tư thế từ nằm, ngồi sang đứng dậy. Máu lên não không đủ khiến tim đập nhanh để đáp ứng nhu cầu tưới máu não. Một số dấu hiệu của tình trạng nhịp tim nhanh tư thế đứng gồm hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, nặng hơn có thể gây ngất xỉu.

Ngất không rõ nguyên nhân

Số ca ngất xỉu không rõ nguyên nhân chiếm khoảng 1/3. Theo đó các nguyên do được cho có liên quan đến các loại thuốc điều trị mà người bệnh đang sử dụng.

Thói quen sinh hoạt

Duy trì lối sống, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh cũng có thể dẫn đến ngất xỉu:

- Stress, căng thẳng kéo dài

- Dễ xúc động, không giữ được bình tĩnh

- Nhịn ăn, nhịn uống

- Sử dụng chất kích thích.

Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân thường gặp trên thì một số trường hợp có thể bị ngất xỉu do: Bị mất quá nhiều nước do tiêu chảy kéo dài, bị thiếu máu, các bệnh lý liên quan đến phổi, làm việc quá sức,….

Lưu ý: Nếu bạn chỉ bị ngất xỉu 1-2 lần do các nguyên nhân như tụt đường huyết, cơn choáng thoáng qua, bạn chưa cần đến bệnh viện. Tuy nhiên, bạn cần thăm khám trong một số trường hợp: ngất xỉu gây chấn thương, bị xỉu khi tập thể dục, thường xuyên ngất xỉu, thời gian tỉnh lại lâu.

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn