Bác sĩ chỉ rõ các phương pháp điều trị xẹp đốt sống do loãng xương

Loãng xương là nguyên nhân hàng đầu của gãy xương cột sống, đặc biệt là ở phụ nữ trên 50 tuổi. Điều trị đúng cách sẽ tránh được gãy xương.

Chỉ với một cú ngã rất nhẹ, nhưng có thể khiến bạn bị gãy tay, chùn đốt sống hay gãy cổ xương đùi… Vậy lý do gì khiến cho cú ngã “cỏn con” đó lại có thể làm ảnh hưởng trầm trọng sức khỏe của bạn đến vậy? Một trong những nguyên nhân chính đó là do loãng xương.

Loãng xương là nguyên nhân hàng đầu của gãy xương cột sống, đặc biệt là ở phụ nữ trên 50 tuổi, nhưng thật bất ngờ là chỉ có khoảng một phần ba trong số tất cả các trường hợp gãy xương cột sống được chẩn đoán ra, và thật đáng tiếc là con số bệnh nhân được điều trị đúng phương pháp lại càng ít hơn nữa.

Xẹp đốt sống do loãng xương - Ảnh BSCC

Một số phương pháp điều trị xẹp đốt sống do loãng xương:

Điều trị bảo tồn

Trước đây, việc điều trị xẹp đốt sống do loãng xương thường bao gồm cho người bệnh nằm bất động tại chỗ, mặc áo đai cột sống, sử dụng các thuốc giảm đau, giãn cơ, thuốc điều trị loãng xương…

Mỗi đợt điều trị bảo tồn thường kéo dài 3-4 tuần, sau đó người bệnh có thể tập vận động trở lại. Một số trường hợp, người bệnh sau điều trị vẫn đau lưng dai dẳng, hạn chế vận động.

Cá biệt, với những bệnh nhân cao tuổi, thể trạng yếu, khi nằm bất động lâu ngày có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, loét vùng tỳ đè, nhiễm trùng tiết niệu…

Tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng không bóng

Nhờ sự phát triển của y học, các chuyên gia về cột sống có thể bơm 1 lượng xi măng vào thân đốt sống bị xẹp. Đầu tiên, bệnh nhân được nằm sấp, gây tê tại chỗ và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện can thiệp.

Đây là 1 điểm rất mạnh của kỹ thuật, vì so với việc mổ cột sống, bệnh nhân cao tuổi sẽ phải gây mê trong khi mổ và chịu nhiều nguy cơ rủi ro của quá trình gây mê. Sau đó, phẫu thuật viên sẽ sử dụng máy huỳnh quang tăng sáng để định vị đốt sống bị xẹp. Bằng kinh nghiệm của mình, phẫu thuật viên sẽ chọc 2 kim vào trong thân đốt sống bị xẹp, qua đó bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống.

Đốt sống sau khi bơm xi măng sẽ cứng hơn cả các đốt sống xung quanh, hàn gắn những xương gãy, giảm đau cho người bệnh. Bệnh nhân sau bơm xi măng có thể ngồi dậy, đi lại ngay sau bơm 6h, xuất viện 1 ngày sau can thiệp.

Với việc can thiệp tối thiểu, gần như không tàn phá cân cơ tổ chức, phương pháp bơm xi măng không bóng đã được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phương pháp cũng có 1 số hạn chế như không chỉnh hình đốt sống bị xẹp, tỷ lệ xẹp đốt sống lân cận có thể tăng cao.

Tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng có bóng

Để khắc phục những hạn chế của phương pháp bơm xi măng không bóng nêu trên, tại Mỹ đã sáng chế ra phương pháp tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng có bóng. Về mặt tổng thể 2 phương pháp bơm xi măng tương đối giống nhau về quy trình thực hiện.

Điểm khác biệt mấu chốt của phương pháp bơm xi măng có bóng chính là qua kim dẫn đường, người thầy thuốc sẽ đưa 2 quả bóng vào thân đốt sống bị xẹp. Bình thường 2 quả bóng bị xẹp, sau khi nối với hệ thống bơm ngoài cơ thể, 2 quả bóng sẽ được bơm phồng lên, giúp làm nở đốt sống, chỉnh hình chiều cao đốt sống trả lại hình dáng ban đầu.

Sau đó 2 quả bóng lại được làm xẹp, rút ra, tạo nên 2 khoang trống trong thân đốt sống. Khoang trống này nhanh chóng được lấp đầy bởi xi măng.

Như vậy, phương pháp bơm xi măng có bóng không những kế thừa được ưu điểm của phương pháp bơm không bóng, mà còn khắc phục được những hạn chế như: chỉnh hình được đốt sống bị xẹp về hình dáng ban đầu, giảm tỷ lệ rò xi măng do bơm vào khoang trống và giảm nguy cơ xẹp các đốt sống lân cận.

Tất cả bệnh nhân sau bơm xi măng đều phải tuân thủ chặt chẽ liệu trình điều trị loãng xương nêu trên, để giảm thiểu nguy cơ gãy xương thứ phát.

Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh tuyệt đối động tác ngồi xổm, cúi ra phía trước để phòng tránh nguy cơ xẹp các đốt sống lân cận. Cột sống của con người bao gồm cột sống cổ, ngực và cột sống thắt lưng. Việc bơm xi măng vào đốt sống bản lề ngực – thắt lưng, thắt lưng thường không khó khăn lắm với phẫu thuật viên cột sống.

Tuy nhiên, với các đốt sống ngực cao (T8 đến T5), việc bơm xi măng trở nên rất khó khăn do cuống sống rất nhỏ, dốc và tính chất tinh tế của vùng tủy ngực. Việc bơm xi măng vùng cột sống ngực cao bắt buộc phải được thực hiện bởi phẫu thuật viên cột sống rất chuyên sâu, vì đường chọc kim vào đốt xẹp hoàn toàn nằm ngoài cuống sống, vào trực tiếp thân đốt sống.

Phẫu thuật cho bệnh nhân xẹp đốt sống nặng do loãng xương

Việc chỉ định phẫu thuật rất hạn chế do chất lượng xương của bệnh nhân kém, người bệnh già yếu, nhiều bệnh phối hợp, không thích hợp để gây mê khi mổ. Chỉ định phẫu thuật khi xẹp đốt sống rất nặng, chèn ép vào thần kinh gây các biểu hiện yếu liệt 2 chân, rối loạn chức năng đại tiểu tiện.

Phẫu thuật viên thường mổ đường sau lưng của người bệnh, bắt các loại vít đặc biệt vào cột sống người bệnh, đặt các thanh kim loại để làm vững cột sống. Tùy theo mức độ chèn ép thần kinh mà phẫu thuật viên có thể cắt bỏ một phần xương phía sau cột sống đơn thuần để giải phóng chèn ép, hoặc cắt bỏ toàn bộ thân đốt sống bị xẹp và thay thế bằng vật liệu nhân tạo.

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng (Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng