Ảnh hưởng của stress và giấc ngủ đến chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ nằm ở vùng cổ trước, đóng vai trò rất lớn đối với sức khỏe toàn thân. Hai yếu tố dễ bị bỏ qua nhưng lại ảnh hưởng rất mạnh đến chức năng tuyến giáp chính là: Stress (căng thẳng) và giấc ngủ.

Dù nhỏ bé, nhưng tuyến giáp đóng vai trò rất lớn đối với sức khỏe toàn thân: Điều khiển tốc độ trao đổi chất, ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, cân nặng, năng lượng, tâm trạng, tiêu hóa, kinh nguyệt, trí nhớ và giấc ngủ. Với vai trò trung tâm như vậy, bất kỳ yếu tố nào tác động đến tuyến giáp – dù trực tiếp hay gián tiếp – đều có thể gây ra những rối loạn lớn. Hai yếu tố dễ bị bỏ qua nhưng lại ảnh hưởng rất mạnh đến chức năng tuyến giáp chính là: Stress (căng thẳng) và giấc ngủ.

Stress - áp lực vô hình gây mất cân bằng nội tiết

Stress là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước những tình huống gây áp lực, đe dọa hoặc thay đổi lớn. Nếu stress kéo dài, lặp đi lặp lại thì nó sẽ trở thành mối nguy cho sức khỏe như:

Cơ thể sản xuất nhiều cortisol – một loại hormone giúp đối phó với stress. Tuy nhiên, khi cortisol quá cao trong thời gian dài, nó sẽ gây mất cân bằng hormone khác, trong đó có hormone tuyến giáp.

Stress làm rối loạn trục HPA (hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận), khiến thông tin giữa não và các tuyến nội tiết không còn chính xác. Kết quả là tuyến giáp bị hiểu sai tín hiệu, hoặc giảm hoạt động.

Giảm chuyển hóa hormone tuyến giáp: Hormone tuyến giáp có hai loại chính là T4 (dạng chưa hoạt động) và T3 (dạng hoạt động). Stress làm giảm khả năng chuyển T4 thành T3, khiến cơ thể dù có đủ T4 vẫn cảm thấy mệt mỏi, giảm năng lượng.

Dễ mắc bệnh tuyến giáp tự miễn: Stress kéo dài làm suy yếu hệ miễn dịch hoặc khiến hệ miễn dịch lầm tưởng tuyến giáp là kẻ thù và tấn công nó. Đây là nguyên nhân gây ra các bệnh như viêm tuyến giáp Hashimoto (gây suy giáp) hoặc Graves-Basedow (gây cường giáp).

Biểu hiện tuyến giáp bị ảnh hưởng do stress:

Mệt mỏi kéo dài, uể oải

Suy giảm trí nhớ, khó tập trung

Tăng hoặc giảm cân bất thường

Nhịp tim nhanh hoặc chậm

Khó chịu, dễ cáu gắt, hay lo âu

Rối loạn kinh nguyệt

Hình minh hoạ- Nguồn: Internet

Giấc ngủ - chìa khoá cân bằng hormone

Khi ngủ, cơ thể không chỉ nghỉ ngơi mà còn thực hiện hàng loạt quá trình phục hồi: Sửa chữa tế bào, đào thải độc tố, điều hòa nội tiết tố và làm mới năng lượng. Đặc biệt, từ 23h đến 3h sáng là thời điểm các cơ quan nội tạng và tuyến nội tiết hoạt động mạnh nhất để cân bằng hormone.

Khi thiếu ngủ hoặc ngủ không chất lượng:

Tuyến giáp mất nhịp hoạt động: Hormone TSH – loại hormone ra lệnh cho tuyến giáp hoạt động – thường tăng cao vào ban đêm. Thiếu ngủ hoặc thức khuya làm rối loạn chu kỳ này, khiến tín hiệu từ não đến tuyến giáp bị gián đoạn.

Giảm sản xuất hormone tuyến giáp: Người ngủ ít thường có nồng độ T3, T4 thấp hơn, khiến tuyến giáp hoạt động yếu dần. Hậu quả là cơ thể cảm thấy mệt mỏi, lạnh tay chân, tóc rụng, dễ tăng cân và hay buồn ngủ vào ban ngày.

Tăng nguy cơ stress: Thiếu ngủ làm giảm khả năng kiểm soát cảm xúc và làm tăng hormone cortisol – từ đó tạo thành một vòng luẩn quẩn: thiếu ngủ – stress – suy giáp – mất ngủ.

Lời khuyên để bảo vệ tuyến giáp khỏi stress và mất ngủ

Bảo vệ tuyến giáp không chỉ nằm ở việc dùng thuốc hay khám bệnh. Việc điều chỉnh lối sống hằng ngày – đặc biệt là kiểm soát stress và chăm sóc giấc ngủ – là yếu tố then chốt trong việc giữ cho tuyến giáp hoạt động khỏe mạnh.

Quản lý stress:

Tập thiền, yoga, hít thở sâu mỗi ngày

Giữ suy nghĩ tích cực, không tự tạo áp lực quá mức

Học cách buông bỏ những điều không kiểm soát được

Tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn để giải phóng endorphin (hormone “hạnh phúc”)

Cải thiện giấc ngủ:

Ngủ đúng giờ, tốt nhất là từ 10h hoặc 11h tối

Tắt điện thoại, máy tính ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ

Tránh uống cà phê, trà đặc hoặc ăn quá no vào buổi tối

Tạo không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái, ánh sáng dịu

Dinh dưỡng:

Ăn đủ i-ốt, selen, kẽm (có nhiều trong hải sản, trứng, hạt, rau xanh)

Tránh ăn quá nhiều đường tinh luyện và thực phẩm chế biến sẵn

Uống đủ nước, giữ cơ thể không bị mất nước

Stress và giấc ngủ là hai yếu tố thường bị xem nhẹ trong cuộc sống hiện đại, nhưng lại đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì sức khỏe tuyến giáp. Một tuyến giáp khỏe mạnh giúp bạn duy trì năng lượng, giữ được vóc dáng, tinh thần minh mẫn và khả năng chịu đựng áp lực tốt hơn.

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ: Ngủ sớm hơn, thở sâu vài phút mỗi ngày, đi bộ nhẹ ngoài trời… Những điều đơn giản này là cách mạnh mẽ nhất để bảo vệ tuyến giáp và sức khỏe toàn diện.

Trương Hiền