Bão số 3 giật cấp 15, chỉ còn cách Quảng Ninh - Hải Phòng 630km
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 20/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,9°N; 113,4°E, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh–Hải Phòng khoảng 630km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118–133km/h), giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20–25km/h.

Bão số 3 đang tiến sát vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng.
Lúc 13h ngày 21/7, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng chuyển hướng Tây Tây Nam với tốc độ 20–25km/h. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ. Cường độ bão cấp 11–12, giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm: Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 107,5 đến 115,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3: Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ.
Lúc 13h ngày 22/7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10–15km/h. Vị trí tâm bão ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh – Thanh Hóa. Cường độ bão cấp 10–11, giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm: Phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3: Vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Lúc 13h ngày 23/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10–15km/h, tiếp tục suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Vị trí trung tâm áp thấp ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền Thượng Lào. Cường độ dưới cấp 6.
Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 108,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3: Vùng biển vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao 5,0-7,0m. Biển động dữ dội. Từ đêm 20/7, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, đảo Hòn Dấu) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m, biển động dữ dội; vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động rất mạnh. Tàu/thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Vùng ven biển Hải Phòng-Quảng Ninh có nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m, mực nước tổng cộng từ 4,0-5,0m. Nguy cơ cao gây ngập, úng tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông vào trưa và chiều 22/7.
Trên đất liền, từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Từ ngày 21/7 đến ngày 23/7, ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h).
Hà Nội nguy cơ cao tái diễn dông lốc vào chiều nay
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu tiếp tục phát triển và gây mưa cho Quảng Bị, Hòa Phú, Thanh Oai, Dân Hòa, Phượng Dực, Ứng Hòa, Hòa Xá, Hồng Sơn, Hương Sơn và các khu vực phía Nam của thành phố Hà Nội.
Trong khoảng từ 30 phút đến 3 giờ tới, vùng mây này gây mưa cho các khu vực trên, sau đó sẽ lan sang các phường/xã khác thuộc nội thành Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

Trận mưa dông khiến nhiều cây cối gãy đổ chiều qua ở Hà Nội.
Chiều 19/7, tại Hà Nội trời tối sầm lại, mưa dông ập xuống kèm theo những cơn gió giật mạnh. Mưa kèm gió lớn khiến cây cối, cột điện đổ đè lên nhiều ô tô đang di chuyển.
Trận dông lốc mạnh khiến 941 cây đổ và cành gãy, trong đó các phường (quận cũ), trục đại lộ Thăng Long và đường Võ Nguyên Giáp, công viên Thống Nhất là 771 cây; các xã, phường ngoại thành Hà Nội là 170 cây.
Ngay sau trận dông lốc, từ tối 19/7, lực lượng chức năng đã ra quân thu dọn, cắt tỉa các cây bị gãy, đổ nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và an toàn giao thông. Tính đến sáng 20/7, phần lớn cây gãy, đổ trên các tuyến đường trong nội thành đã được giải tỏa bảo đảm an toàn giao thông, chỉ còn một số tuyến nhỏ còn cành lá trên hè. Lực lượng chức năng dự kiến trong ngày hôm nay sẽ hoàn tất việc thu dọn, xử lý cây gãy, đổ trong nội đô và hoàn tất tại các tuyến xa trung tâm vào ngày mai, 21/7.
Tạm dừng cấp phép rời cảng đối với tàu khách
Ngày 20-7, trước diễn biến phức tạp của bão Wipha, Cảng vụ Đường thủy và Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đã ban hành công văn khẩn về việc tạm dừng cấp phép rời cảng, bến đối với các phương tiện vận chuyển khách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Âu cảng Tuần Châu
Theo nội dung công văn, kể từ ngày 20-7-2025, toàn bộ các tàu khách du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, cũng như các tàu vận chuyển khách đi các tuyến đảo, giữa các đảo tạm ngừng được cấp phép rời cảng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, thuyền viên và phương tiện.
Đối với các phương tiện về đất liền trả khách vẫn tiếp tục cấp phép. Cảng vụ Đường thủy và Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết qua các bản tin dự báo khí tượng thủy văn chính thức; thông báo kịp thời đến các chủ tàu, bến cảng, thuyền trưởng và các bên liên quan để có biện pháp chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện; không chủ quan, lơ là trước những ảnh hưởng của bão.
Các lực lượng chức năng tiếp tục cập nhật diễn biến mới nhất của bão Wifa và đưa ra các hướng dẫn tiếp theo phù hợp với tình hình thực tế.
Quảng Ngãi: Cứu sống 2 anh em đuối nước giữa sông Đăk Bla
Sáng 20-7, bà Trịnh Thị Kim Nga, Chủ tịch UBND phường Đăk Bla, tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, trên địa bàn phường vừa xảy ra vụ đuối nước trên sông Đăk Bla. May mắn cả hai nạn nhân đều được lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời và đưa vào bờ an toàn.

Lực lượng chức năng tiếp cận và đưa hai anh em đang đuối nước dưới sông Đăk Bla vào bờ an toàn.
Hai nạn nhân là anh em ruột cùng trú phường Kon Tum (tỉnh Quảng Ngãi).
Thông tin ban đầu, sáng sớm cùng ngày, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Ngãi nhận được tin báo có người đang bị đuối nước ở sông Đăk Bla (đoạn chảy qua phường Đăk Bla).

Nạn nhân được đưa vào bờ an toàn.
Ngay lập tức, Phòng PCCC&CNCH đã điều động phương tiện cùng 12 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường và tổ chức cứu nạn.
Lực lượng Phòng PCCC&CNCH đã cứu sống và đưa hai người vào bờ an toàn. Hiện sức khỏe của cả hai đã bình phục và ổn định.