Trưa 9/7, trên tỉnh lộ 354, đoạn qua địa bàn xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đỗ Văn Thắng (16 tuổi, trú xã Thái Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng) điều khiển xe máy hiệu Airblade không đội mũ bảo hiểm, vượt quá tốc độ quy định, đâm trúng Thượng uý CSGT Nguyễn Trọng Quý.
Hiện công an huyện An Lão đang tạm giữ Thắng để điều tra, xử lý theo quy định.
Thượng úy Nguyễn Trọng Quý đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp trong tình trạng bị xuất huyết não, máu đang tụ trong não, gãy xương cánh tay, bị đa chấn thương khác và không tỉnh táo.
Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết thông tin báo chí đăng tải cho thấy hành vi của người điều khiển xe máy là bất chấp pháp luật.
Hành vi tông xe trực diện khiến CSGT tung người lên không trung rồi rơi xuống bất tỉnh khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ và đáng lên án.
Bởi đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ.
|
Hiện trường vụ việc. |
Nhiều đối tượng vì thiếu hiểu biết pháp luật, sử dụng chất kích thích làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc do thái độ coi thường, bất chấp pháp luật nên những hành vi vi phạm kiểu như vậy diễn ra thường xuyên, điển hình là tình huống này.
"Nếu bị xử lý về tội giết người thì Đỗ Văn Thắng phải đối diện với mức hình phạt hết sức nghiêm khắc theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017...", Luật sư Cường nhận định.
Luật sư Cường cũng cho rằng, nếu bị xử lý về tội giết người, đối tượng là người đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt cao nhất có thể áp dụng là 18 năm tù theo quy định BLHS về chính sách với người chưa thành niên phạm tội.
Ngoài trách nhiệm hình sự thì Đỗ Văn Thắng còn có thể phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm hại...
|
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình thăm hỏi, động viên CSGT bị xe máy tông. Ảnh: Đỗ Hoàng |
Trong khi đó, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình (đoàn Luật sư TP HCM) nêu quan điểm, việc CSGT đứng giữa làn đường ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe là việc cần thiết để ngăn chặn kịp thời đối với hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, việc CSGT không đoán trước được mức độ nguy hiểm và sự bất chấp của người vi phạm là lỗi một phần ở sự chủ quan.
“Ở tình huống đó, CSGT cần phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ an toàn hơn như né tránh nếu nhận thấy đối tượng không chấp hành hiệu lệnh, cố tình gây nguy hiểm cho bản thân mình và những người xung quanh.
Sau đó thì có thể thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác để ngăn chặn đối tượng thay vì dừng xe bằng cả thân thể của mình.
Theo tôi, ở đây lỗi phần lớn là do đối tượng quá liều, xem nhẹ pháp luật, cố tình làm trái với quy định khi tham gia giao thông. Ngoài ra còn có một phần lỗi của CSGT vì sự chủ quan trong khi thực hiện nhiệm vụ", Luật sư Hùng nêu quan điểm.