Chị Nguyễn Thị Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, dù đã nhận được các thông báo từ ngân hàng VIB nhưng nhiều lần chị cập nhật qua app ngân hàng trên điện thoại không thành công do chị chưa cập nhật bản cứng căn cước công dân gắn chíp tại ngân hàng. Do công việc bận rộn và cũng chủ quan, nghĩ ngân hàng chưa thực hiện khoá ngay nên chị chưa đến ngân hàng để cập nhật Căn cước công dân gắn chíp và xác thực sinh trắc học trước ngày 1/1/2025.
Mãi đến khi có việc cần phải chuyển tiền trên app ngân hàng, thấy thông báo tài khoản đã bị ngừng giao dịch, chị Ngọc mới "tá hỏa". Ngay sáng nay (9/1) chị đã ghé phòng giao dịch VIB trên đường đi làm để cập nhật. Rất may, có sự hỗ trợ của chuyên viên ngân hàng, sau 10 phút, giao dịch tài khoản của chị có thể thực hiện bình thường.
Nhiều tài khoản chưa cập nhật sinh trắc trước ngày 1/1/2025 theo quy định cũng có nhiều lý do, nhưng cũng không ít trường hợp do chủ quan như chị Ngọc. Bên cạnh đó, còn do một số ngân hàng triển khai chưa quyết liệt hoặc triển khai còn chậm.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NH Nhà nước cho biết đến ngày 6/1/2025, toàn hệ thống có hơn 84,7 triệu khách hàng cá nhân đã được đối chiếu sinh trắc học, chiếm trên 72% tổng số lượng khách hàng cá nhân có phát sinh giao dịch trên kênh số. Một số NH đạt tỷ lệ khách hàng đăng ký sinh trắc học rất cao như VietinBank và BIDV đạt khoảng 83%, Vietcombank là 92% và Agribank là 66%.
Một số NH nước ngoài khác như Shinhan Bank, Standard Chartered cho hay đã triển khai xác thực sinh trắc học tới khách hàng từ nhiều tháng qua. Trong khi đó theo ghi nhận, vẫn còn một số NH nước ngoài đến giờ vẫn chưa triển khai thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng theo quy định. Các chủ thẻ tín dụng của HSBC, Citibank… cho biết chưa xác thực sinh trắc học và vẫn giao dịch thanh toán, chuyển khoản bình thường sau mốc 1/1/2025.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, không phải tự nhiên có quy định bắt buộc phải đồng loạt xác thực sinh trắc học. Giải pháp này nhằm bảo vệ người dân và phòng tránh tội phạm an ninh mạng. Hơn 84,7 triệu tài khoản đã xác thực đối chiếu sinh trắc học là con số rất lớn cho thấy sự đồng thuận của người dân và sự triển khai đồng bộ của ngành. Hiện tại có tới 80%-90% hoạt động giao dịch qua các kênh số nên cần chuẩn bị cho những kịch bản ứng phó, xử lý sự cố sớm...
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 139/CĐ-TTg, ngày 23/12/2024 về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch…
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch…, đồng thời áp dụng kiểm tra, đối chiếu xác thực sinh trắc học người đại diện hợp pháp đối với các giao dịch Internet banking của tài khoản doanh nghiệp; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để phát hiện, phân loại, cảnh báo các tài khoản có giao dịch bằng địa chỉ IP tại nước ngoài… Các công việc này yêu cầu hoàn thành trong quý I/2025.