Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Tham gia ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua các vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện xử lý đến nơi, đến chốn, tạo dấu ấn lan tỏa quan trọng để cảnh tỉnh răn đe, phòng ngừa. Công tác điều tra, phá án từng bước được nâng cao, hầu hết các vụ án có tính chất nghiêm trọng đều được làm sáng tỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả rất khích lệ, góp phần làm giảm thiểu tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân thì có loại hình tội phạm giảm không nhiều, có loại hình tăng. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ lưỡng, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, giảm thiểu tối đa các vụ án tăng bất thường.
Quan tâm đến vụ án của Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, đại biểu cho rằng, vụ việc Vạn Thịnh Phát chỉ là "bề nổi của tảng băng bị vỡ" và "còn những tảng băng khác chưa bị vỡ". Người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản tiền của các đối tượng trong vụ án này.
"Vụ Vạn Thịnh Phát làm khống cả nghìn hồ sơ vay, chiếm dụng trên 1 triệu tỷ đồng từ SCB… Có thể thấy, đây là vụ án có số lượng tiền chiếm dụng, khả năng thất thoát cực lớn. Thậm chí trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD", đại biểu cho hay.
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhìn nhận, vụ án Vạn Thịnh Phát là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây ra hệ lụy vô cùng lớn với nền kinh tế và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, khách hàng với hoạt động tín dụng.
"Vụ án với rất nhiều kỷ lục như số tiền bị chiếm đoạt; thời gian diễn ra vụ việc; số lượng các bị cáo, số lượng người bị tác động...", đại biểu nói và đề nghị các cơ quan chức năng cần phải xử lý quyết liệt và chặt chẽ, đặc biệt là việc xử lý hệ quả, làm sao để không, hoặc ảnh hưởng thấp nhất đến kinh tế - xã hội, quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.