Vụ tai nạn 8 người chết ở Bình Thuận: Quá nguy hiểm khi không có dải phân cách!

Nếu đoạn Quốc lộ 1 qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận được mở rộng và có dải phân cách thì có thể không xảy ra vụ tai nạn thảm khốc làm 15 người thương vong sáng 21-7 và nhiều vụ tai nạn khác
 
 

 

Chiều 21-7, Đoàn Công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) do Phó Chủ tịch chuyên trách Khuất Việt Hùng và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Bình Thuận về việc khắc phục vụ tai nạn làm 8 người chết, 7 người bị thương trên Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Đường hẹp, không có dải phân cách
Đến chiều cùng ngày đã xác định 8 nạn nhân tử vong (trong đó có tài xế xe khách) trong vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe khách 16 chỗ của nhà xe Anh Trinh lưu thông hướng Phan Thiết đi TP HCM và xe tải do Phan Thanh Tùng (29 tuổi, ngụ TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) điều khiển theo chiều ngược lại.
Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết vẫn chưa xác định ai là người cầm lái xe khách vào thời điểm gây tai nạn. Lúc đầu, lực lượng công an đã khám nghiệm hiện trường và xác định người cầm vô-lăng chết trong xe khách là Lê Thanh Trúc (48 tuổi, quê Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc). Tuy nhiên, sau đó, Công an tỉnh làm việc với ông Nguyễn Thanh Tiệp (31 tuổi, quê Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc, đang điều trị tại bệnh viện) là người được nhà xe Anh Trinh đăng ký tài xế thì người này nhận là tài xế cầm lái. Nhà xe Anh Trinh cũng chưa rõ ai là người cầm lái.
Theo đại tá Đinh Kim Lập, qua khám nghiệm hiện trường, xác định tai nạn do xe khách chạy lấn làn. Trước khi xảy ra tai nạn, xe khách chạy với tốc độ 69 km/giờ, xe tải chạy với tốc độ 60 km/giờ, đều trong giới hạn tốc độ cho phép.
Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nhìn nhận đoạn QL 1 qua huyện Hàm Tân là địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Nếu được mở rộng 4 làn đường thì các cơ quan trung ương cần quan tâm và lắp đặt dải phân cách giữa để hạn chế tai nạn.
Vu tai nan 8 nguoi chet o Binh Thuan: Qua nguy hiem khi khong co dai phan cach!
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận làm 15 người thương vong ngày 21/7. 
Đề nghị nhiều nhưng chưa giải quyết
Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn trên QL 1 nằm trong đoạn Phan Thiết - Đồng Nai từ Km 1720+800 - Km 1770+734 dài gần 50 km, có mặt đường rất hẹp, không có dải phân cách giữa, không đèn đường, xe gắn máy và các loại xe thô sơ khác đi chung làn xe cơ giới. Trong khi đó, một số vị trí có yếu tố kỹ thuật bị giới hạn như cầu hẹp, nhiều đoạn cong cua liên tiếp.
Đoạn đường này đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc mà nguyên nhân do đường hẹp, không có dải phân cách giữa, xe đối đầu nhau. Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn làm 10 người chết và 11 người bị thương sau khi 2 xe khách đối đầu trên QL 1 đoạn qua xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam vào ngày 9-2-2015 cũng do đường hẹp, không có dải phân cách giữa.
Ông Văn Quý Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), cho rằng huyện Hàm Tân đã từng liên tục đề nghị mở rộng QL 1 và cần thiết phải lắp thêm dải phân cách giữa. "Từng xảy ra nhiều vụ TNGT rất nghiêm trọng do xe đối đầu nhưng Bộ GTVT cứ bảo do có đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang thi công nên QL 1 qua đây không mở rộng và làm con lươn cứng. Rõ ràng là QL 1 nếu có con lươn cứng thì an toàn hơn nhiều, nhưng mấy ổng cứ nói có đường cao tốc nên đâu có chịu làm. Sau vụ này phải kiến nghị tiếp đến Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chứ cứ vầy nguy hiểm quá!" - ông Ngọc nói.
Trước đó, ngày 18-4-2017, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường QL 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai theo hình thức BOT. Trong đó, phê duyệt bổ sung đầu tư mở rộng nền, mặt đường, lắp đặt dải phân cách (19,6 km) các đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và mở rộng 3 cầu Phú Sung, cầu Ông Hạnh, cầu Tà Mon. Đến nay chỉ thi công lắp đặt dải phân cách giữa 6,3 km, còn lại 13,3 km dải phân cách giữa và mở rộng 3 cầu chưa triển khai. Ngày 10-10-2019, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn đề nghị đầu tư nâng cấp QL 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp nhằm giảm thiểu tai nạn trên tuyến. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, xác nhận sở này đã đề nghị mấy năm nay rồi nhưng chưa được. "Hôm trước anh Khuất Việt Hùng vô, tỉnh cũng đề nghị thêm một lần nữa nhưng hiện vẫn chưa có" - ông Nam nói.
Ông Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, bảo năm nào sở cũng tham mưu UBND tỉnh đề nghị lên Bộ GTVT để mở rộng và lắp dải phân cách trên QL 1 qua huyện Hàm Tân. "Nhưng chỉ mới làm ít thôi, nhiều chỗ vẫn chưa được làm. Nghe nói cũng tính toán để làm nhưng vẫn chưa thấy. Tỉnh phải tiếp tục kiến nghị nữa" - ông Lê nói.
"Vị trí xảy ra tai nạn thì chúng tôi đã có kiến nghị nhiều lần, sớm nâng cấp, mở rộng làn đường. Gần vị trí này, cách đây chưa lâu cũng đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, cho thấy TNGT tại đây bị lặp lại với tần suất cao. Mặc dù bộ cũng thấy điều này nhưng vẫn chưa được lắp dải phân cách. Chúng tôi mong bộ sẽ sớm triển khai" - ông Lê Tuấn Phong đề nghị.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất kể từ đầu năm đến nay. Theo hợp đồng ký kết với nhà đầu tư, địa bàn Bình Thuận sẽ còn 45 km tuyến QL đi ngang qua được lắp dải phân cách. Sắp tới sẽ rà soát lại để đưa các khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn nghiêm trọng vào đoạn đường được lắp dải phân cách. Riêng về việc mở rộng làn đường, kể từ năm 2011 sẽ không mở rộng QL 1 ở những nơi có quy hoạch thực hiện cao tốc Bắc - Nam.
"Để giảm tải lưu lượng xe trên QL 1 qua Bình Thuận, hiện nay đã phê duyệt dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ khởi công trong tháng 9. Trước mắt thì chúng tôi sẽ sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư BOT để mở rộng QL 1 qua Bình Thuận những đoạn cần lắp dải phân cách thêm 50 cm nữa để phục vụ lắp dải phân cách. Chúng tôi phấn đấu đến tháng 12-2020 sẽ hoàn thành việc nâng cấp 65 km tuyến đường QL 1 từ Bình Thuận đến Đồng Nai. Riêng đoạn đường xảy ra tai nạn sáng 21-7 thì đề nghị Bình Thuận rà soát lại, phối hợp với bộ để điều chỉnh, mở rộng lòng đường" - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.
Ưu tiên lắp đặt dải phân cách
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG, cho biết trước đây, khi nâng cấp QL 1, đoạn từ Dầu Giây đến Phan Thiết không nâng cấp, mở rộng 4 làn, không có dải phân cách giữa như các đoạn tuyến khác. Lý do là lúc đó, chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức PPP, có sử dụng một phần vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Để bảo đảm hiệu quả của dự án đường cao tốc, Ngân hàng Thế giới đề nghị không nâng cấp, mở rộng thành 4 làn ở đoạn tuyến nói trên.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được xây dựng bằng ngân sách, Việt Nam quyết hoàn toàn nên Chính phủ chọn ưu tiên bảo đảm an toàn giao thông cho người dân. Do đó, Ủy ban ATGTQG đã tham mưu để Phó thủ tướng Chính phủ chỉ đạo huy động các nguồn lực, khẩn trương tổ chức lắp dải phân cách cứng đoạn tuyến từ Dầu Giây đến Phan Thiết cũng như các đoạn tuyến khác.
C.Nguyên
Thủ tướng: Không để xảy ra TNGT thảm khốc
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả, không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ sau khi xảy ra vụ tai nạn làm 15 người thương vong ở Bình Thuận ngày 21-7 cùng một số vụ TNGT nghiêm trọng ở tỉnh Lâm Đồng, Quảng Ninh, Kon Tum.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô có thời hạn đối với doanh nghiệp quản lý nhà xe Anh Trinh, thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh vận tải của DN này. Khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng mất tấm chống lóa trên QL 1 qua địa bàn tỉnh để xử lý nghiêm.
Bộ GTVT cùng với Sở GTVT các tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Kon Tum kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với DN là chủ sở hữu phương tiện trong vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm; kiểm tra điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến QL1, QL5, QL14, QL51….
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô có thời hạn đối với Công ty TNHH Tiến Hùng, đồng thời thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh của công ty này khi để ôtô biển kiểm soát 36B-022.32 chạy sai lộ trình, gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào ngày 11-7.
D.Ngọc
Theo Hợp Phố - Hồng Ánh/NLĐ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN