Vụ nổ tàu chở dầu ở Ninh Bình: Bảo hiểm thế nào?

Hiện vụ tàu chở dầu bất ngờ phát nổ khiến 2 người bị thương đang gây xôn xao dư luận. Nhiều độc giả đặt câu hỏi nếu tàu, nạn nhân đã mua bảo hiểm thì được đền bù thế nào?
Thông tin vụ cháy, nổ tàu chở dầu trên sông Bôi ngày 3/1, UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có báo cáo xác nhận 2 người bị thương và nguyên nhân vụ nổ.
Cụ thể, theo báo cáo, sáng cùng ngày, công nhân kỹ thuật của Công ty TNHH công nghiệp Hạ Long - CFG tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng tàu chở hàng (số hiệu NB-8369, trọng tải khoảng 500 tấn, đang trong giai đoạn sửa chữa). Khi phát hiện tay van hầm quay bị hỏng, các công nhân tiến hành sửa chữa bằng cách hàn điện, bảo dưỡng tay van. Thời điểm sửa chữa trên tàu không chứa hàng, trong khoang không chứa dầu. Trong lúc hàn điện, bảo dưỡng van tay, bất ngờ xảy ra sự cố nổ gây cháy khiến phần boong, mạn tàu bị phá hủy văng ra xung quanh, còn phần đáy và cabin tàu bị chìm. Vụ nổ khiến ông Đ.T.A. và N.V.H. bị thương, bỏng nhẹ.
No tau cho dau o Ninh Binh: Bao hiem the nao?
Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, xăng dầu là chất cháy nguy hiểm, việc kinh doanh, vận chuyển xăng dầu đòi hỏi phải tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Bởi vậy, khi vụ hỏa hoạn xảy ra trong quá trình kinh doanh, vận chuyển xăng dầu thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh đó có được cấp phép hay không, có đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy hay không, làm cơ sở xem xét giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
No tau cho dau o Ninh Binh: Bao hiem the nao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Cường cho biết thêm, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có giấy phép kinh doanh và đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, việc hỏa hoạn xảy ra ngoài ý chí chủ quan của cơ sở kinh doanh thì trách nhiệm hình sự có thể không được đặt ra tuy nhiên vấn đề bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc mua bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm vận chuyển được thực hiện như thế nào, nếu có bảo hiểm trong thời hạn thì sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm cháy nổ theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm và thỏa thuận trong hợp đồng. Đối với các công nhân bị thương tích thì đơn vị kinh doanh này có trách nhiệm hỗ trợ chi phí trong quá trình cứu chữa điều trị, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tai nạn lao động xảy ra.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ những người lao động này có hợp đồng lao động hay không, có đóng bảo hiểm hay không, họ có được trang bị bảo hộ lao động đặc thù hay không, trên cơ sở đó sẽ xác định có hành vi vi phạm về lao động hay không và quyền lợi của người lao động có cơ sở để được đảm bảo theo quy định của pháp luật hay không?", luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, về nguyên tắc là người lao động có xác lập hợp đồng, có đóng bảo hiểm mới được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định. Đơn vị kinh doanh này có trách nhiệm phải đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật, trong trường hợp không có hợp đồng lao động hoặc không đóng bảo hiểm theo quy định thì đơn vị kinh doanh này hoàn toàn phải chịu trách nhiệm đối với mọi thiệt hại đã xảy ra đối với người lao động.
>>> Xem thêm video: Vụ nổ tàu ngầm Kursk - Tai nạn thảm khốc nhất của Hải quân Nga
Gia Đạt/TT&CS