Vụ Hotgirl Quỳnh Anh Thanh Hóa: Nói chuyện anh hùng khó qua ải mỹ nhân...

Đến nay cũng chưa ngã ngũ ông Ngô Văn Tuấn có phải trường hợp “anh hùng khó qua ải mỹ nhân” nhưng việc ông bị kỷ luật liên quan đến bà Quỳnh Anh là sự thật. Đó là bài học đau xót cho nhiều “anh hùng” khác trong hiện tại và tương lai…
Từ trước đến nay, các bậc tiền nhân có câu: “Anh hùng nan quá mỹ nhân quan” (Anh hùng khó qua ải mỹ nhân) để nói về những người đàn ông anh hùng, bản lĩnh, bất khuất kiên cường đến thế nào cũng khó lòng vượt qua sự quyến rũ của sắc đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” của phái nữ vốn được xem là “đàn bà dễ có mấy tay”.
Lịch sử đã chứng minh đến nay câu nói trên vẫn chính xác. Từ Đông Tây kim cổ đến nay, có rất nhiều những bậc anh hùng tài cao học rộng, tướng lĩnh trên chiến trường, xông pha trận mạc, thương trường không bị trầy da tróc vảy mà khi “dính vào ải mỹ nhân” lại dễ thân bại danh liệt, người mất đi tính mạng, kẻ mất đi công danh sự nghiệp.
Trong thần thoại Hy Lạp, nàng Helen được xem là người phụ nữ xinh đẹp nhất thế giới. Nhưng chính vẻ đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” đó đã dẫn đến cuộc chiến cuộc chiến thành Tơ-roa, kéo dài tới tận 10 năm. Chàng Rama trong sử thi Ramayana đã phải chiến đấu dũng cảm để cứu nàng Sita từ tay quỹ dữ Ravana.
 Ông Ngô Văn Tuấn - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Lịch sử đất nước Trung Quốc cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân” như nàng Đát Kỷ xinh đẹp mà độc ác đã khiến Trụ vương - từ một vị vua văn võ song toàn cũng trở nên rượu chè, xô đẩy nhà Thương tới diệt vong sau hơn 600 năm tồn tại.
Hay như Điêu Thuyền - mỹ nhân xinh đẹp xuất hiện trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa với sắc đẹp được ví là ‘bế nguyệt’ (tức là khiến ánh trăng cũng phải thẹn thùng) cũng đã khiến Lã Bố giết Đổng Trác. Sắc đẹp của hai nàng, Đại Kiều và Tiểu Kiều cũng đã trở thành cái cớ khiến Tào Tháo, kiêu hùng bậc nhất của thời Tam Quốc phải nhận lấy thất bại cay đắng tại trận Xích Bích.
Ngay như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Từ Hải được xem là người "đội trời, đạp đất ở đời", "giang hồ quen thói vẫy vùng; gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo"; ấy thế mà khi Thúy Kiều khuyên nên ra quy hàng, chàng "nghe lời nàng nói mặn mà" để rồi mắc mưu Hồ Tôn Hiến, phải chịu cái chết oan ức "trơ như đá, vững như đồng; ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời". Hay như nàng Mỵ Nương con gái vua Hùng Vương thứ 18 với vẻ đẹp nết na đã khiến Thủy Tinh phải hô mưa gọi gió chiến đấu với Sơn Tinh hòng cướp nàng về làm vợ…
Lịch sử vẫn lưu truyền mãi mãi những câu chuyện đó để răn dạy người đời sau. Thế nhưng có một sự thật ở đời nào cũng có “anh hùng” sa ngã trước “mỹ nhân”.
Đến tận bây giờ vụ việc hàng loạt “quan” Thanh Hóa ngã ngựa vì "hotgirl" Quỳnh Anh (SN 1986, trú tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn khiến dư luận bàn ra tán vào. Bà Trần Vũ Quỳnh Anh được người dân địa phương đặt cho biệt danh “Hot girl xứ Thanh” do có vẻ đẹp trời phú.
Các “quan” Thanh Hóa không phải là những “anh hùng” như trong những câu chuyện mà lịch sử đã lưu truyền qua nhiều thế hệ nhưng họ là những người nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại tỉnh này.
Việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn bị kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, bị cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021 do ưu ái, nâng đỡ không trong sáng bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước và hàng loạt “quan chức” khác bị kỷ luật đã khiến dư luận liên hệ đến hình ảnh “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”.
Dù biết rằng, cụm từ “nâng đỡ không trong sáng” mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề cập chỉ đơn giản để nhấn mạnh những sai phạm, khuyết điểm của ông Ngô Văn Tuấn trong việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Thế nhưng “tình ngay, lý gian”, khi mà “hotgirl xứ Thanh” không phải là người thân thích của ông Ngô Văn Tuấn và càng không phải lý do vì tiền bạc. Vậy nên dư luận hồ nghi bà Trần Vũ Quỳnh Anh thăng tiến nhờ... sắc đẹp?
Việc ông Ngô Văn Tuấn “nâng đỡ không trong sáng” bà Trần Vũ Quỳnh Anh xuất phát từ tình cảm vô tư, không vụ lợi hay vì mục đích gì khác có lẽ chỉ ông Tuấn và bà Quỳnh Anh mới có thể hiểu hết được. Nhưng kết cục cho việc nâng đỡ không trong sáng này là điều không một quan chức nào như ông Ngô Văn Tuấn mong muốn.
Câu chuyện ông Tuấn cũng khó lòng minh bạch, sáng tỏ, và có phải trường hợp “anh hùng khó qua ải mỹ nhân” nhưng ông bị kỷ luật liên quan đến bà Quỳnh Anh là sự thật. Đó cũng là bài học cho nhiều “anh hùng” khác của thế hệ hôm nay và mai sau trong việc tuân thủ kỷ cương, phép nước.
Hải Ninh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN