Vụ đình chỉ Tổng giám đốc Sagri: Ông Lê Tấn Hùng “chỉ đạo” bao nhiêu vụ vay mượn?

Dù ngân quỹ còn rủng rỉnh tiền, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên dưới thời ông Lê Tấn Hùng, vẫn nhiều lần đi vay một số ngân hàng số tiền hàng trăm tỷ đồng để …gửi ngân hàng khác.
Theo Kết luận của Thanh tra TPHCM, năm 2016 và 2017, SAGRI dưới thời ông Lê Tấn Hùng làm Tổng giám đốc, đã ký 3 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Shinhan Bank Viet Nam để vay ngoại tệ với số tiền là 11,3 triệu Euro (quy đổi sang tiền Việt Nam là gần 275 tỷ đồng).
Mục đích vay tại các hợp đồng tín dụng này ghi rõ là bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, sau khi vay được tiền, SAGRI đem đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác.
Vu dinh chi Tong giam doc Sagri: Ong Le Tan Hung “chi dao” bao nhieu vu vay muon?
  Ông Lê Tấn Hùng
Hậu quả là đến thời điểm đáo hạn, vốn gốc phải trả 11,3 triệu Euro nếu quy đổi sang tiền Việt Nam là hơn 299 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá đối với vốn gốc mà SAGRI phải trả ngân hàng là gần 25 tỷ đồng.
Trong hai tháng 9 và 10/2016, SAGRI ký 2 hợp đồng vay 131 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong – Chi nhánh Bến Thành. Mục đích các khoản vay ghi trong hợp đồng tín dụng là góp vốn thành lập pháp nhân mới theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 83 ngày 13/5/2017 và hợp đồng hợp tác đầu tư số 90 ngày 2/8/2016.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra là trên thực tế, số vốn góp của SAGRI vào hai pháp nhân mới đã được các đối tác giải ngân và thậm chí cho SAGRI vay không lãi suất (tức lãi suất 0%) trong thời gian 3 năm. Vì lẽ đó, mục đích vay tiền góp vốn thành lập pháp nhân mới là không cần thiết.
Sau khi vay được tiền từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong – Chi nhánh Bến Thành, SAGRI đã đi gửi có kỳ hạn vào ngân hàng khác và sử dụng vốn sai mục đích. Con số thiệt hại do chênh lệch lãi suất đến nay chưa xác định được cụ thể.
Tại các thời điểm ký hợp đồng vay tiền, trong ngân quỹ của SAGRI vẫn còn dồi dào, cụ thể là còn số tiền rất lớn gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng. Do đó, SAGRI đi vay tiền để bổ sung vốn lưu động là không cần thiết và làm phát sinh chi phí lãi vay, lỗ do chênh lệch tỷ giá và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Ngoài kết luận của Thanh tra TPHCM, Kết luận kiểm toán SAGRI của Kiểm toán Nhà nước cũng xác định SAGRI đã tạm ứng một cách dễ dãi nên bị đối tác chiếm dụng số tiền hàng chục tỷ đồng. Cụ thể: SAGRI và Công ty Đức Nguyên ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn để UBND tỉnh Đắc Lắc giao 4.000 ha đất tại huyện Ea Sup để trồng cao su.
Sau khi ký hợp đồng, thực hiện uỷ quyền của SAGRI, trong hai năm 2011 và 2012, Công ty Bò sữa đã tạm ứng cho Công ty Đức Nguyên 12 tỷ đồng. Mặc dù tạm ứng số tiền lớn như vậy nhưng SAGRI và Công ty Bò Sữa đã không yêu cầu Công ty Đức Nguyên cung cấp chứng từ thế chấp tài sản hoặc chứng thư bảo lãnh của ngân hàng.
Vu dinh chi Tong giam doc Sagri: Ong Le Tan Hung “chi dao” bao nhieu vu vay muon?-Hinh-2
 Trụ sở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một Thành viên
Hậu quả là đến năm 2016, khi tỉnh Đắc Lắc thu hồi chủ trương lập dự án của SAGRI khiến dự án bị dừng, SAGRI mới bắt đầu gửi văn bản thanh lý hợp đồng nhưng Công ty Đức Nguyên vẫn không phản hồi. Số tiền 12 tỷ đồng chưa rõ khi nào mới đòi lại được.
Theo Kết luận Kiểm toán Nhà nước, đến thời điểm 31/12/2017, SAGRI đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp với tổng số vốn đều tư là 1.038 tỷ đồng. Tuy nhiên, 9/25 đơn vị có kết quả kinh doanh thua lỗ. Số lỗ luỹ kế đến thời điểm 31/12/2017 lên đến 382 tỷ đồng.
Ngày 12/6, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký quyết định đình chỉ công tác Tổng Giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.
Quyết định đình chỉ nêu rõ ông Lê Tấn Hùng bị đình chỉ công tác vì đã có các sai phạm được Thanh tra TPHCM, Kiểm toán Nhà nước và Chủ tịch UBND TPHCM kết luận, thể hiện ông Hùng vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty SAGRI.
Theo Huy Thịnh/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN