Liên quan đến vụ việc cây phượng bật gốc, đè chết một học sinh tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM), ông Nguyễn Vạn Phúc - Hiệu trưởng cho biết, cây phượng vĩ được trồng từ năm 1996.
Hàng năm, nhà trường có thuê công ty cây xanh đến cắt tỉa, chăm sóc. Trong thời gian nghỉ dịch COVID-19, trường cũng thực hiện công tác cắt tỉa cây để giảm nguy cơ dông lốc, đây là công việc thường xuyên.
Trong khi đó, theo Sở Xây dựng TP HCM, phượng là loại cây nằm trong danh mục hạn chế trong khu vực đô thị, nhất là những cây phượng có đường kính trên 30cm. Trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo rà soát lại toàn bộ cây xanh trên địa bàn.
|
Hiện trường vụ cây gãy đổ. |
Nói về vụ việc, luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, việc xác định chủ sở hữu cây phượng bị ngã, gãy đổ gây hậu quả chết người sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường theo điều Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, “Người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định tại Bộ luật Dân sự”.
Theo luật sư Cường, tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, có nói “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định rằng người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng căn cứ theo Điều 584 Bộ luật Dân sự .
Để xác định việc gãy đổ cây gây chết người như trên có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không (thời điểm xảy ra sự cố có mưa to, gió lớn hay không), cần phải cần phải xác định xem người có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt nhánh, tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, hạ những canh cây khô, hư hỏng, sâu có dấu hiệu hư hỏng thậm chí gãy đổ…).
Theo đó, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Sự kiện xảy ra một cách khách quan hay gọi là sự kiện khách quan, tức sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng;
- Hậu quả của sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm;
- Hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép
Trường hợp đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.
Do đó trường hợp cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh chưa áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn thì không được xem là do bất khả kháng.
Theo luật sư Trương Thị Minh Thông (Đoàn luật sư TP HCM): "Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra ngoài ý chí của con người khiến chúng ta không thể lường trước và khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết, khả năng cho phép".
Theo đó, những hiện tượng thiên tai như mưa, lũ, hỏa hoạn, bão, sóng thần, núi lửa phun trào... là sự kiện bất khả kháng. Điều này được áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
Nếu vì thiên tai thì thuộc trường hợp bất khả kháng nên ko bồi thường theo Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, như sau:
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Nếu không thuộc trường hợp bất khả kháng thì trường phải chịu trách nhiệm theo Điều 604 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về “bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
Trường hợp 2 còn có thể bị xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 128 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Cụ thể, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.