Sau vụ khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo ngành y liên quan kit test Việt Á, gần đây dư luận râm ran chuyện y bác sĩ hoang mang, không còn tâm trạng cống hiến; lãnh đạo ngành y ngần ngại, lo sợ chuyện mua sắm công, đấu thầu thuốc và vật tư y tế. Không ít người “bẻ lái”, đổ lỗi nguyên nhân từ bất cập của quy định về đấu thầu...
Đấu thầu thuốc và thiết bị, vật tư y tế tuy có lúc vướng này vướng nọ, song mọi chuyện vẫn diễn ra suôn sẻ cho tới khi đại dịch COVID-19 ập đến.
|
Ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh vừa bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ Việt Á.
|
Cần nhớ, với yêu cầu “chống dịch như chống giặc”, ngành y tế lúc ấy đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để đáp ứng kịp thời yêu cầu khẩn cấp, dù ở giai đoạn “zero COVID” hay “thích ứng an toàn với dịch”.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người ta từng đề cập đến chỉ định thầu hoặc vẫn đấu thầu nhưng phải nhanh chóng, gấp rút. Mà hễ làm nhanh, làm cấp bách thì khó tránh được những va vấp, sơ sót, thậm chí là sai sót. Song suốt thời gian dài, chúng ta chưa nghe CDC tỉnh, thành nào kêu ca, phản ánh để cấp có thẩm quyền gỡ vướng.
Bây giờ nhìn lại, dù vẫn nên lượng giá những cái được, chưa được trong công tác phòng chống dịch nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng lúc ấy cả nước đã tập trung, dốc toàn lực để phòng chống dịch tuyệt vời như thế nào. Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc; cả ngành y toàn tâm dốc sức; nhân dân cả nước tuân thủ, hưởng ứng và hỗ trợ.
Những gì diễn ra hôm nay trong vụ kit test Việt Á đã cho thấy: Các bản án với tổng cộng hàng chục năm tù cho sáu bị cáo trong vụ CDC Hà Nội ở giai đoạn đầu chống dịch đã không trở thành lời cảnh tỉnh đanh thép với những con người không còn coi pháp luật ra gì, không còn biết đau với nỗi đau của đồng bào trong cuộc chiến chống dịch, không còn nhận biết đâu là giới hạn...
Cũng trong bối cảnh cả nước khẩn trương “chống dịch như chống giặc” ấy, một vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra tại CDC Hà Nội (gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm). Và mặc dù có hơn 30 CDC các tỉnh, thành khắp cả nước cùng nhiều nhà khoa học, nhiều tổ chức nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các cán bộ CDC Hà Nội, ngày 24-6-2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội vẫn bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ này. Trong đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội, người có đến 42 PGS, TS và 430 bác sĩ cả nước nộp đơn đến tòa xin giảm nhẹ) đã bị tòa tuyên y án 10 năm tù.
Bản án phúc thẩm nhận định: Hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan nhà nước. Trong khi Chính phủ và nhân dân đang tập trung chống dịch, các cán bộ CDC Hà Nội đã không làm nhiệm vụ được giao mà còn vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước nên cần phạt nghiêm để răn đe và phòng ngừa chung.
Những người theo dõi vụ án này cho rằng mức án nghiêm khắc nói trên là lời cảnh tỉnh cho không chỉ những người trong ngành y. Nhưng những gì diễn ra hôm nay trong vụ kit test Việt Á đã cho thấy: Các bản án với tổng cộng hàng chục năm tù cho sáu bị cáo trong vụ CDC Hà Nội ở giai đoạn đầu chống dịch nêu trên đã không trở thành lời cảnh tỉnh đanh thép với những con người không còn coi pháp luật ra gì, không còn biết đau với nỗi đau của đồng bào trong cuộc chiến chống dịch, không còn nhận biết đâu là giới hạn...
Sẽ có người biện minh vì Bộ Y tế đã công bố giá kit test công khai nên “dưới” cứ thế mà làm theo. Những thông tin về vụ án này quả có ý đó thật, song nếu không có “hoa hồng”, nếu 20% doanh thu của Việt Á không chi cho các lãnh đạo thì liệu các vị có ký tá, chấp nhận mua kit test của họ (mà không mua của đơn vị khác) hay không?!
Về mặt pháp lý, dẫu biết rằng chưa có bản án có hiệu lực pháp luật kết tội họ, song tội danh mà họ bị khởi tố không chỉ là vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người trong số 60 bị can bị khởi tố về tội tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... - những tội danh đọc lên rất dễ liên tưởng đến tư túi, bạc tiền.
Lợi dụng khi dịch bệnh hoành hành, bất chấp lúc cả nước đang lao đao vì chống dịch, mặc cho đồng nghiệp không ngại hiểm nguy ở tuyến đầu..., những bị can vụ Việt Á cần được xem xét xử lý nghiêm như là cuộc “đại phẫu” để cơ thể ngành y được lành mạnh, khỏe khoắn, để những người thầy thuốc chân chính yên tâm công tác, cống hiến cho đời. Đó chính là điều người dân cả nước luôn mong đợi.
Lẽ dĩ nhiên, những bất cập, những lỗ hổng trong quy định pháp luật về đấu thầu thuốc và vật tư y tế (nếu có) cũng cần được rà soát, sửa đổi để tạo hành lang pháp lý an toàn cho những người làm đúng, đồng thời ngăn ngừa lãng phí, chống thất thoát tài sản công. Ngoài ra, xây dựng cơ chế, chính sách để không ai muốn tham nhũng, không ai cần tham nhũng và không ai dám tham nhũng... là bài toán chung mà Nhà nước cần tính đến, không chỉ cho ngành y.
Sau cơn mưa, trời lại sáng. Trong mắt người dân, đội ngũ y bác sĩ vẫn luôn được thương yêu, kính trọng - cả trước, trong đại dịch COVID-19 và cả bây giờ!