Vĩnh Phúc phát triển bền vững nhờ dự án siêu nghĩa trang, đẩy dân Bồ Lý gánh chịu hậu quả môi trường?

Mặc cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc luôn khẳng định xây dựng công viên nghĩa trang giúp phát triển bền vững, thế nhưng...
Mặc cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc luôn khẳng định xây dựng công viên nghĩa trang giúp phát triển bền vững; tuy nhiên những người dân xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo - địa phương trực tiếp thụ hưởng thành quả luôn cảm thấy lo lắng, bất an và nhận ra được hậu quả nhãn tiền cực kỳ khủng khiếp nếu dự án siêu nghĩa trang được triển khai.
Bồ Lý hy sinh để cả tỉnh phát triển bền vững?
Núi Ngang nằm trọn trên địa bàn 3 xã Đạo Trù, Đại Đình, Bồ Lý thuộc Huyện Tam Đảo có diện tích khoảng 500 ha.
Khoảng 350 ha rừng ở vị trí núi ngang nằm trên địa bàn 2 xã Đạo Trù và Đại Đình đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất, chỉ còn khoảng 150 ha đất rừng thuộc xã Bồ Lý đang được giữ là rừng phòng hộ.
Theo Luật Đất đai quy định, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên.
Trong khi đó, theo Điều 30 của Luật Đầu tư thì nếu muốn chuyển đổi diện tích đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên để làm dự án thì phải có sự thông qua của Quốc hội.
150 ha tại Bồ Lý là điểm then chốt liên quan đến dự án nghĩa trang dự định “nuốt” rừng phòng hộ tại núi Ngang bị nhân dân địa phương phản đối gay gắt.
Huyện Tam Đảo chỉ còn hơn 470ha rừng phòng hộ, nếu vì làm một công viên nghĩa trang mà phải phá đi 150ha rừng phòng hộ thì theo các chuyên gia cảnh quan và môi trường khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vinh Phuc phat trien ben vung nho du an sieu nghia trang, day dan Bo Ly ganh chiu hau qua moi truong?
 
Vinh Phuc phat trien ben vung nho du an sieu nghia trang, day dan Bo Ly ganh chiu hau qua moi truong?-Hinh-2
 
Vinh Phuc phat trien ben vung nho du an sieu nghia trang, day dan Bo Ly ganh chiu hau qua moi truong?-Hinh-3
 
Vinh Phuc phat trien ben vung nho du an sieu nghia trang, day dan Bo Ly ganh chiu hau qua moi truong?-Hinh-4
 Nguy cơ tái triển khai dự án hiển hiện ngày trước mắt người dân huyện Tam Đảo.
Vinh Phuc phat trien ben vung nho du an sieu nghia trang, day dan Bo Ly ganh chiu hau qua moi truong?-Hinh-5
 Biên bản tổ chức lấy ý kiến Dự thảo “điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2017” ghi nhận tuyệt đại đa số ý kiến phản đối sử dụng 100ha đất rừng phòng hộ làm nghĩa trang.
Ngay tại các buổi lấy ý kiến nhân dân các thôn Đồng Bụt, Đồng Cà, Trại Mái, Tây Sơn về Dự thảo “điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2017” do UBND xã Bồ Lý tổ chức thực hiện từ ngày 8-10/10/2017 theo Thông báo số 214/B-UBND ngày 8/9/2017 của UBND huyện Tam Đảo cũng đề ghi nhận các ý kiến phản đối của người dân địa phương liên quan đến việc sử dụng 100ha làm đất nghĩa trang, nghĩa địa.
Trong đó, 100% người dân thôn Đồng Cà không nhất trí quy hoạch 100ha đất xây dựng công viên nghĩa trang tại xã Bồ Lý.
Ở thôn Trại Mái, ông Nguyễn Văn Sáng tỏ ra khá bất ngờ đến thời điểm UBND huyện Tam Đảo hoàn thiện Dự thảo mà người dân trong xã mới có thông tin quy hoạch xây công viên nghĩa trang và yêu cầu toàn dân biểu quyết không đồng ý xây dựng nghĩa trại tại Núi Ngang.
Đồng quan điểm với người dân trong thôn, bà Phạm Thị Xuân còn yêu cầu không chuyển đổi bất cứ mục đích gì đối với rừng phòng hộ Núi Ngang.
Sự phản đối của người dân địa phương tiếp tục lan rộng ra các thôn Đồng Bụt, Tây Sơn với tuyệt đại đa số ý kiến xây dựng nghĩa trang trên địa bàn các thông của xã Bồ Lý.
Việc hoàn thiện và ban hành quy hoạch đều phải có sự tham gia, đóng gop ý kiến của nhân dân. Vậy tại sao, một dự án mà người dân “nhất tề” phản đối lại có thể nằm trong qui hoạch chung xây dựng khu đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Thậm chí còn nực cười hơn nữa khi dự án xây dựng Công viên nghĩa trang của tỉnh Vĩnh Phúc còn được “tung hô” là một chủ trương đúng đắn, mang tầm nhìn chiến lược, được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng đồng tâm nhất trí, tạo đà cho một Vĩnh Phúc phát triển bền vững.
Vĩnh Phúc sẽ phải đối mặt với những hệ lụy gì?
Rừng được coi là lá phổi đối với một đất nước. Cho nên, phá rừng sẽ đối diện với các nguy cơ ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, khí thải nhà kính, nghĩa là liên quan đến an sinh xã hội, đời sống, môi trường sống, sức khỏe của người dân.
Rất nhiều nơi đang muốn làm hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, khu rừng phòng hộ, thậm chí lấn vào rừng sản xuất, để mở rộng diện tích cho vùng cư trú của các loài hoang dã. Trong đó dãy núi Ngang được xác định như một “lá chắn cảnh quan” ngăn cách giữa địa điểm xây nghĩa trang với Khu du lịch danh thắng Tây Thiên. Thì chuyện Vĩnh Phúc muốn cắt bớt rừng đi, nhất là rừng phòng hộ, là rừng để bảo vệ, không phải rừng sản xuất đã gây ngạc nhiên lớn cho các chuyên gia, nhà khoa học.
Bởi lẽ, việc quy hoạch vị trí xây dựng nghĩa trang (đặc biệt là với một dự án lớn, ảnh hưởng tới cả trăm hecta diện tích rừng phòng hộ như ở Vĩnh Phúc) nằm rất gần khu vực dân cư sinh sống sẽ khó tránh khỏi nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, vùng Tam Đảo từ thời Pháp thuộc đã được biết đến là nơi giàu tiềm năng du lịch. Nếu đặt nghĩa trang với hàng triệu phần mộ như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch của địa phương. Chưa kể, nghĩa trang được đặt ở triền núi, còn phía dưới cách không xa là nhà máy nước sinh hoạt. Dù công nghệ có hiện đại đến thế nào cũng khó ngăn được việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, chất thải sẽ ngấm dần vào mạch nước qua thời gian.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc là vùng đất đai rộng rãi, không thiếu địa điểm lại đưa ra chủ trương phá rừng phòng hộ Tam Đảo để làm nghĩa trang, vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch. Học tập các nước trên thế giới thường bố trí nghĩa trang ở những vùng đất không mấy tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... để tránh lãng phí. Thế nhưng, Vĩnh Phúc lại đi chọn một việc chẳng giống ai là phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang và đặt nghĩa trang vào khu du lịch.
Đến đây, có lẽ dư luận không ngần ngại đặt câu hỏi, vì đâu mà Vĩnh Phúc lại có ý định để tư nhân vào xây dựng nghĩa trang trên đất rừng phòng hộ. Phải chăng người đồng ý chủ trương xuất phát từ quyền lợi của nhân dân hay vì lý do nào khác?
Cũng cần phải nói thêm, việc đầu tư vào “bất động sản nghĩa trang” sẽ mang lại lợi nhuận lớn, chi phí bồi thường đất rừng phòng hộ thấp hơn các loại đất khác. Cho nên, khi có chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thấy dự án nhìn thấy lợi nhuận họ sẽ không dễ dàng từ bỏ.
Vinh Phuc phat trien ben vung nho du an sieu nghia trang, day dan Bo Ly ganh chiu hau qua moi truong?-Hinh-6
 Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Đáng chú ý hơn, đó là toàn bộ diện tích 150ha đất trồng rừng phòng hộ được nhắm đến đều thuộc khu vực Núi Ngang, xã Bồ Lý - là hai địa danh đã được thăm dò khoáng sản, kết quả cho thấy đây là khu vực có trữ lượng khoáng sản hết sức dồi dào
Cụ thể, theo đánh giá trữ lượng khoáng sản đã được tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định thì trên địa bàn tỉnh có 8 mỏ Felspat thì huyện Tam Đảo hiện có 2 mỏ. Cụ thể, mỏ Felspat thôn Nghĩa Lý, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo: Số hiệu: F09; Diện tích 115ha, chiều dày trung bình 5m; trữ lượng tài nguyên dự báo: 8.356.141 tấn.
Mỏ Felspat núi Ngang, huyện Tam Đảo; số hiệu: F10; Vị trí, đặc điểm phân bố: thuộc thôn Sơn Thanh, xã Đại Đình và thôn ngọc Thụ, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo; Diện tích 120ha, chiều dày trung bình 4m. Trữ lượng (Tài nguyên dự báo): 6.915.427 tấn; Chất lượng và giá trị sử dụng: Kết quả mẫu hóa K2O: 4,01%, Na2O: 3,28%,T.Fe: 3,15%; Felspat đảm bảo yêu cầu sản xuất đồ gốm sứ, nguyên liệu xương và men cho sản xuất gạch ceramit, granit nhân tạo.
Với trữ lượng khoáng sản lớn và có giá trị cao như nêu trên, dư luận đặt ra câu hỏi rằng: Phải chăng có lợi ích nhóm trong việc phê duyệt, chấp thuận xóa bỏ rừng trồng phòng hộ để xây dựng công viên nghĩa trang? Liệu có hay không việc núp bóng danh nghĩa xây dựng công viên nghĩa trang để khai thác khoáng sản, vơ vét tài nguyên tư lợi cá nhân?
Trên thực tế, quan điểm của Vĩnh Phúc vẫn muốn làm dự án trên, thể hiện rõ tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/6/2017, lãnh đạo tỉnh bảo vệ ý kiến xây dựng công viên nghĩa trang là cần thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì phát biểu: “Vĩnh Phúc sẽ chuyển đổi rừng phòng hộ Núi Ngang thành rừng sản xuất và việc xây dựng công viên nghĩa trang nhằm phục vụ mục tiêu… phát triển bền vững”.
Trùng hợp với quyết tâm lấy rừng làm nghĩa trang, giai đoạn từ tháng 4/2017 đến tháng 6/2017, hàng loạt vụ cháy rừng quy mô lớn, bất thường đã xảy ra tại rừng phòng hộ Núi Ngang khiến hơn 30 héc ta rừng phòng hộ Núi Ngang chưa kịp chuyển thành rừng sản xuất đã thành tro tàn.
Không chỉ dừng lại ở những vụ cháy lan bất thường, còn có một số “hợp đồng ủy quyền” lâu năm cho người ngoài địa phương, khiến không ít ý kiến nghi ngờ về việc “lách luật” mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ.
Vinh Phuc phat trien ben vung nho du an sieu nghia trang, day dan Bo Ly ganh chiu hau qua moi truong?-Hinh-7
 Liên tiếp các bản hợp đồng được một người “lăn lội” từ Hà Nội lên Tam Đảo gom đất rừng người dân quản lý với thời hạn 50 năm.
Cụ thể, trong năm 2016, nhiều hộ dân tại thôn Tân Lập, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo đã ký hợp đồng ủy quyền sử dụng đất với một người phụ nữ tên trú tại H10, ngõ 132, phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) hàng chục ha ở sườn núi Ngang (xã Bồ Lý) với mục đích kinh doanh lâm nghiệp, thời hạn tới 50 năm…
Điều khá bất ngờ là địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của người này lại có sự trùng khớp với địa chỉ đăng ký của Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh - doanh nghiệp đề xuất thực hiện xây dựng siêu nghĩa trang với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý khác, bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2017 của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ghi rõ Núi Ngang là nơi xây dựng công viên nghĩa trang quy mô hơn 100ha.
Vĩnh Phúc và bài học cần lắng nghe ý kiến của người dân
Việc chủ trương xây dựng công viên nghĩa trang tại tỉnh Vĩnh Phúc thường được bao biện bởi lý do là phù hợp với thực tế đòi hỏi của một đô thị văn minh hiện đại. Chủ trương này đã có quy hoạch từ nhiều năm trước và đã được phê duyệt theo Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Vinh Phuc phat trien ben vung nho du an sieu nghia trang, day dan Bo Ly ganh chiu hau qua moi truong?-Hinh-8
 Quyết định về việc Phê duyệt phương án kiểm kê rừng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2015.
Thế nhưng, dẫn nguồn thông tin từ một số bài báo được đăng tải liên quan đến vấn đề này thấy rằng, Quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt cho Vĩnh Phúc chỉ xác định địa điểm xây dựng nghĩa trang thuộc địa phận xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo chứ trước nay chưa từng có chuyện Thủ tướng phê duyệt cho Vĩnh Phúc chuyển đổi rừng phòng hộ để làm nghĩa trang ở xã này! Vì vậy không thể nói Vĩnh Phúc chuyển đổi rừng phòng hộ để làm nghĩa trang là chủ trương phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt!
Mặt khác, trong quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND huyện Tam Đảo ghi rõ:
Tại Tam Đảo hiện có 537,66ha đất rừng phòng hộ, trong đó rừng đặc dụng là 12.328,41ha.
Đất rừng phòng hộ và đặc dụng của Tam Đảo vừa làm chức năng phòng hộ, vừa làm chức năng bảo tồn đa dạng sinh học.
“Vì vậy, trong những năm tới, cần nâng cao chất lượng và bảo tồn (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) trước nguy cơ khai thác của dân và xâm lấn trước một số công trình hạ tầng, du lịch trong kế hoạch mở rộng Tam Đảo 2 và khai thác khoáng sản”, bản Quy hoạch Tổng thể kinh tế xã hội huyện Tam Đảo nhấn mạnh định hướng này.
Đối với đất rừng phòng hộ tại xã Bồ Lý, bản quy hoạch chỉ rõ: Xã Bồ Lý thuộc cụm xã tiểu vùng 2, là vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo mang đặc trưng điển hình của xã miền núi có độ dốc cao, kinh tế xã hội chậm phát triển nhưng lại có mức độ ảnh hưởng lan tỏa đến các xã xung quanh.
Định hướng phát triển của tiểu vùng này là nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch (không có việc “xóa sổ” hàng trăm hecta rừng phòng hộ ở vùng đệm rừng quốc gia Tam Đảo để xây dựng nghĩa trang).
Như vậy, việc lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc ủng hộ cho nhà đầu tư nghiên cứu làm nghĩa trang trên đất rừng phòng hộ liệu có trái với định hướng quy hoạch của huyện du lịch Tam Đảo? Điều này cũng cần phải được làm rõ.
Trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả.
Theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, cùng với ý kiến, kiến nghị, mong mỏi, nguyện vọng của tuyệt đại đa số người dân một số thôn tại xã Bồ Lý không nhất trí quy hoạch 100ha đất xây dựng công viên nghĩa trang, có lẽ thay vì cứ cố nói xây nghĩa trang vì người dân, vì sự phát triển bền vững, thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần có cái nhìn khách quan đối với toàn bộ dự án, đảm bảo đời sống dân sinh của người dân trên địa bàn cũng như tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguyên trên địa bàn xã Bồ Lý.
Bên cạnh đó, ý kiến cử tri cũng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ thông tin mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ diễn ra tại núi Ngang; đồng thời công khai, minh bạch tiến trình chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn sang đất rừng sản xuất, cũng như trả lời dứt điểm có hay không việc tiếp tục giữ nguyên chủ trương triển khai xây dựng công viên nghĩa trang tại khu vực núi Ngang xã Bồ Lý.
Theo Phan Anh Tuấn/Tạp chí Mặt trận

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN