Nhiều trẻ nguy kịch do viêm màng não do Enterovirus đe dọa trẻ nhỏ
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ nhập viện mắc viêm màng não, nguyên nhân chủ yếu là do Enterovirus (hay gọi tắt là EV).
Vừa qua, bé gái (6 tuổi, ở Tuyên Quang), có tiền sử khỏe mạnh, khoảng 2 ngày trước khi vào viện, trẻ xuất hiện đau đầu từng cơn, kèm theo nôn và sốt.
Gia đình đã đưa trẻ đến một cơ sở y tế gần nhà để thăm khám và được chẩn đoán bị viêm họng cấp và kê đơn về nhà uống, tuy nhiên tình trạng đau đầu càng nhiều, trẻ mệt và nôn nhiều. Gia đình rất lo lắng nên đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thăm khám.
Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Kết quả xét nghiệm PCR dương tính với Enterovirus. Hiện sau 8 ngày điều trị theo phác đồ viêm màng não do virus, trẻ tỉnh táo, hết sốt tình trạng sức khoẻ ổn định và đã được xuất viện.
|
Thăm khám cho bệnh nhi bị viêm não - Ảnh BVCC |
ThS.BS Trần Thị Cườm, Phó Trưởng khoa Nhi cho biết: Viêm màng não virus là tình trạng viêm màng não do căn nguyên virus gây nên, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch và trẻ em.
Các triệu chứng chính của viêm màng não do virus nói chung và Enterovirus nói riêng có thể xuất hiện đột ngột bao gồm:
• Sốt, ớn lạnh, đau đầu, cổ cứng, buồn nôn hoặc nôn, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng), chán ăn, mệt mỏi.
• Đôi khi có các triệu chứng của nhiễm virus (như sổ mũi, ho, đau nhức cơ thể hoặc phát ban, trước khi có triệu chứng của viêm màng não).
• Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng thường không đặc hiệu bao gồm: sốt, nôn, thóp phồng, bú kém, ngủ nhiều,…
Để chẩn đoán xác định, trẻ cần được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR để xác định căn nguyên virus. Điều trị triệu chứng hiện đang là phương pháp chính trong quản lý bệnh viêm màng não do virus với các thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm viêm và dinh dưỡng nâng cao thể trạng,…
Bác sĩ cho biết hiện bệnh viêm màng não do EV chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, chính vì vậy để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ và người chăm sóc cần:
• Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay sạch với xà phòng trước khi ăn, sau khi ho, hắt xì, đi vệ sinh.
• Thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng.
• Vệ sinh đồ chơi chung, giữ môi trường sống sạch sẽ, khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn, ghế để ngăn ngừa lây lan virus.
• Cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu nôn, đau đầu, không đáp ứng với thuốc hạ sốt để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Viêm màng não mủ ở trẻ em đặc biệt nguy hiểm thời điểm giao mùa
ThS.BS Trần Thị Cườm, thời điểm giao mùa là điều kiện “lý tưởng” cho các bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát, mà nổi cộm nhất là viêm màng não mủ . Bệnh có triệu chứng “âm thầm”, diễn tiến nặng và biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
|
Viêm màng não ở trẻ nhỏ - Ảnh BVCC |
Viêm màng não mủ là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả nặng nề cho trẻ, bệnh gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Trẻ mắc viêm màng não nếu không được phát hiện, điều trị sẽ gặp phải các di chứng thần kinh vĩnh viễn như:
- Tổn thương não;
- Tràn dịch dưới màng cứng (tích tụ chất lỏng giữa hộp sọ và não);
Não úng thủy (tích tụ chất lỏng bên trong hộp sọ dẫn đến sưng não);
- Mất thính lực, câm;
- Liệt tay chân;
- Lác mắt
- Động kinh;
- Giảm sút trí tuệ
- Nghiêm trọng hơn, bệnh có thể gây tử vong do suy hô hấp nặng, phù não; các biến chứng nhiễm khuẩn nặng ở não, viêm phổi, viêm thận nặng, trạng thái mất não,…
Biểu hiện của viêm màng não bố mẹ cần dõi sát tình trạng của trẻ như:
- Sốt cao đột ngột, uống thuốc hạ sốt không giảm
- Buồn nôn, nôn
- Tăng kích thích
- Cứng cổ
- Co giật, thóp phồng
- Hôn mê, li bì, lơ mơ
Khi bé có các biểu hiện sốt liên tục bất thường bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện khám ngay để được điều trị.
Tiêm Vắc xin để phòng ngừa:
Bố mẹ cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin giúp con có thể phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này
- Vắc xin Phế cầu
- Vắc xin Não mô cầu BC.
- Vắc xin Não mô cầu AC.
- Vắc xin Viêm não Nhật Bản.
- Vắc xin QUIMI-HIB phòng Viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.