Vì sao Trịnh Xuân Thanh buồn và “không thể nào hiểu được“?

Trịnh Xuân Thanh cho rằng cáo trạng của Viện Kiểm sát quy chụp và khẳng định mình không thuộc nhóm lợi ích của Đinh La Thăng.
Tại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản tại Công ty CP bất động sản điện lực dầu khí (PVP Land) ngày 26/1, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục phủ nhận tội tham ô tài sản bị Viện kiểm sát (VKS) cáo buộc, và bức xúc cho rằng bản thân cảm thấy như đang bị đấu tố tại phiên tòa.
“Hai năm qua, bị cáo như con ngáo ộp”, Trịnh Xuân Thanh ví von và cho rằng cáo trạng của VKS đang quy chụp và coi thường các chứng cứ của vụ án khi cáo buộc bị cáo phạm tội tham ô tài sản.
“Người ta đưa tiền cho bị cáo, bị cáo đã trả lại mà VKS vẫn đề nghị bị cáo mức án chung thân”, Trịnh Xuân Thanh nói.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bị đề nghị mức án chung thân. Ảnh: TTXVN 
Thanh cũng khẳng định mình không thuộc lợi ích nhóm của Đinh La Thăng: "Bị cáo ngồi trong trại giam nghe đài nói, Chủ tịch nước Trần Đại Quang kết luận trong phiên họp của Bộ Tư pháp là đối với các vụ án tham ô, đặc biệt không để xảy ra oan sai.
Bị cáo thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Tổng Bí thư rất đúng, nhưng thực thi ở dưới có thể bị hiểu méo mó đi... Nhiều người ngoài xã hội bảo bị cáo là bè nhóm của anh Thăng. Bị cáo không thuộc lợi ích nhóm của anh Thăng, vì bị cáo và anh Thăng chỉ gặp nhau, quen từ năm 2006".
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Như vậy, bị cáo cảm thấy mức án mà VKS đề nghị là quá nặng?”, thì Trịnh Xuân Thanh phân trần không phải nặng mà muốn có ý kiến là tại sao như thế?
Bị cáo Thanh cho rằng tất cả chứng cứ tại phiên tòa, các luật sư, kể cả luật sư không bảo vệ cho mình, cũng cho rằng bị cáo không phạm tội tham ô, nhưng đại diện VKS không quan tâm, tiếp tục giữ nguyên nội dung cáo trạng, đưa vào biên bản luận tội.
“Bị cáo không thể nào hiểu được. Bị cáo rất là buồn!”, Trịnh Xuân Thanh nêu ý kiến, trước khi kết thúc phần tự bào chữa.
Trước đó, khi bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, Luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng hợp đồng chuyển nhượng 12 triệu cổ phần đã bị tòa án tuyên vô hiệu, số tiền đặt cọc hơn 100 tỷ đồng đã được trả lại, vì vậy không có thiệt hại. 49 tỷ đồng cáo buộc các bị cáo tham ô không phải tiền nhà nước mà là tiền của Công ty Minh Ngân. Mặt khác, việc điều khiển dòng tiền thuộc về bà Thái Kiều Hương (cựu phó tổng giám đốc công ty Vietsan).
Ông Thanh đã hoàn lại tiền cho Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Thăng) và vì thế 14 tỷ "nằm trong tầm kiểm soát của bị cáo Thắng, không chừng vẫn nằm trong nhà".
Luật sư Hùng nhắc lại đề nghị tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định 14 tỷ đồng có vừa chiếc vali nhỏ như lời khai của các bị cáo hay không, vì thời gian phiên tòa còn nhiều và việc này cũng không phức tạp.
“Ông Trịnh Xuân Thanh không nhận 14 tỷ, bị cáo cũng không thể nhận tiền này. Nếu HĐXX còn lăn tăn thì hãy thực nghiệm điều tra’, luật sư Hùng chốt lại phần bào chữa.
Theo Minh Thái/Đất Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN