Trao đổi với phóng viên, TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao chia sẻ: “Từ những số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, trẻ em vị thành niên bị xâm hại ngày càng nhiều, hành vi xâm hại ngày càng tinh vi, phức tạp.
Những trẻ bị xâm hại gồm cả nam và nữ, phổ biến ở lứa tuổi 5 - 13. Điều này cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, sự thiếu hiểu biết coi thường pháp luật của những kẻ thực hiện hành vi”.
|
TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao. |
Nhiều vụ xử lý xâm hại tình dục trẻ em rơi vào ngõ cụt
Tác giả của cuốn sách “Theo dòng công lý” nổi tiếng trong ngành tố tụng chỉ rõ: Tội xâm hại trẻ em để lại hậu quả nặng nề về tâm sinh lý đối với sự phát triển của trẻ về sau. Theo đó, khi xâm hại tình dục trẻ em, tùy từng trường hợp cụ thể mà đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc giao cấu với trẻ em.
Trong trường hợp người có ý định giao cấu nhưng không thực hiện được do khách quan thì hành vi có thể cấu thành tội Dâm ô với trẻ em.
Cũng theo vị chuyên gia này, để xác định dấu vết làm căn cứ khẳng định có hành vi xâm hại hay không là điều không đơn giản do nó liên quan trực tiếp đến tâm lý, lời khai của người bị hại, người liên quan đến vụ án. Vì e ngại, sợ mọi người biết nên bị hại, người thân của họ thường cố tình che giấu hoặc khai báo không đúng sự thật.
“Do thiếu chứng cứ pháp y nên việc xử lý một số vụ xâm hại trẻ em gần như rơi vào ngõ cụt. Ngoài ra, pháp luật hiện hành hầu như chỉ chú trọng chế tài đối với hình thức xâm hại nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm song với các hình thức nhẹ hơn thì hầu như chưa có quy định điều chỉnh”, TS Dương Thanh Biểu cho hay.
Đình chỉ vụ án vì chứng cứ vật chất yếu
Là luật sư từng tham gia bảo vệ bị hại trong các vụ án xâm hại trẻ em, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ sự đau xót và căm phẫn khi nhiều trẻ em đang bị những kẻ xấu lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của các em để thực hiện hành vi phạm tội.
|
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư Hà Nội). |
Hậu quả của hành vi xâm hại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm mà còn tác động lâu dài đến tâm lý của các em. Những vết thương về tinh thần của các em phải mất rất nhiều thời gian mới được chữa lành.
Có nhiều em trước khi bị xâm hại là một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, nhưng sau đó bị bệnh trầm cảm, cắt da thịt tự hủy hoại bản thân, thậm chí có nhiều em có ý định hoặc thực hiện hành vi tự tử.
Không chỉ bản thân các em phải gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, mà gia đình các em ngoài việc phải giúp các em vượt qua khó khăn, tránh lời điều tiếng của cộng đồng, còn phải tham gia vào một hành trình pháp lý phức tạp, mệt mỏi để đòi công lý.
Theo luật sư Tiến, người nào có hành vi Dâm ô đối với trẻ em (trẻ dưới 16 tuổi) thì bất kể là nam hay nữ cũng bị xử phạt theo Khoản 1 điều trên là từ 6 tháng đến 3 năm tù. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị phạt từ từ 3 - 7 năm nếu phạm tội nhiều lần, đối với nhiều trẻ em hoặc đối với trẻ mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; tái phạm nguy hiểm.
Đối với tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 - 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
“Tuy nhiên, trên thực tế, để xử phạt tội dâm ô trẻ em hay bất cứ tội nào về xâm hại trẻ em là rất khó bởi đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, các chứng cứ. Cách đây không lâu, tôi có tham gia bảo vệ quyền lợi cho một nạn nhân của vụ dâm ô tại Thanh Xuân, Hà Nội.
Tuy nhiên, trong vụ án này không có nhân chứng, vật chứng (quần áo, mẫu vật AND, tinh dịch…). Do đó, dù dư luận rất bức xúc nhưng vụ án này vẫn phải đình chỉ vì chứng cứ vật chất rất yếu. Bản thân những người làm luật chúng tôi rất buồn và trăn trở”, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật tâm sự.
Từng có thời dài công tác ở ngành công an, luật sư Tiến chia sẻ: “Chính vì vậy, biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng này là cha mẹ nên dành thời gian để mắt tới con cái nhiều hơn, đồng thời dạy trẻ cách tự vệ, không để người khác động chạm tới những vùng nhạy cảm trên cơ thể và thường xuyên tâm sự với trẻ để trẻ, dặn trẻ có bất cứ chuyện gì đều tâm sự với bố mẹ để không có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng đồng thời lưu giữ các vật chứng cần thiết để tố giác tội phạm”.
Lai Châu: 15 năm mới tuyên phạt được 1 người dâm ô
Bà Nguyễn Thị Lụa - Chánh án TAND tỉnh Lai Châu nói suốt 15 năm qua, ngành tố tụng của tỉnh này mới xét xử và tuyên phạt được 1 người dâm ô trẻ em.
“Cơ quan tố tụng phải căn cứ vào những chứng cứ thu giữ tại hiện trường để chứng minh hành vi phạm tội chứ không thể vì áp lực dư luận mà vội vã xử lý. Trong những vụ án dâm ô (hành vi dâm ô chỉ là “sờ nắn bên ngoài bộ phận sinh dục” nhưng không nhằm mục đích giao cấu), việc chứng minh được đối tượng “có sờ nắn hay không” hoặc có phạm tội hay không là rất khó khăn, vì hành vi chỉ xảy ra ở bên ngoài. Đôi khi sự việc chỉ dựa vào lời khai của nạn nhân khiến các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn và không có căn cứ để xử lý vụ việc”, người đứng đầu TAND tỉnh Lai Châu chia sẻ.