Chiều 7/8, trao đổi với PV luật sư Lê Văn Thiệp - một trong 5 luật sư bào chữa miễn phí cho bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình – cho biết, ông sẽ rút lui không đồng hành, bào chữa cho bị can Lương trong thời gian tới.
Luật sư Lê Văn Thiệp cho hay, việc không tiếp tục bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đã được ông thông báo cho gia đình bị cáo. Tuy nhiên do ông đang đi công tác tại Lạng Sơn nên chưa có văn bản chính thức đến các cơ quan chức năng. Đến khi kết thúc chuyến công tác ông sẽ nộp văn bản.
|
Luật sư Lê Văn Thiệp. |
Chia sẻ thêm về lý do không tiếp tục bào chữa cho bị can Hoàng Công Lương, luật sư Lê Văn Thiệp cho biết: “Do công việc của tôi rất bận, vừa giảng dạy vừa có những công việc ở văn phòng. Ngoài ra còn con cái, bố mẹ già phải chăm sóc. Hơn nữa bác sĩ Hoàng Công Lương cũng đã có 4 luật sư khác bào chữa. Ở đây không phải lý do vì tiền hay không vì tiền mà còn có rất nhiều mảnh đời, nhiều vụ án khác cần luật sư bào chữa. Thời gian qua tôi đã cố gắng hết sức và không phải hối hận điều gì. Những đồng nghiệp còn lại hoàn toàn có thể đảm đương các công việc còn lại".
Được biết, tại phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong tháng 5 vừa qua, luật sư Lê Văn Thiệp đã để lại nhiều dấu ấn bằng những dẫn chứng, lý lẽ bào chữa đanh thép và đầy sức thuyết phục.
Đặc biệt ở phiên xử hôm 17/5, luật sư Thiệp từng đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân TP Hòa Bình đưa luật sư Trần Vũ Hải – người bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc ra ngoài, vì luật sư Hải ngồi sau mất trật tự.
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương. |
Liên quan đến đơn khiếu nại kết luận điều tra bổ sung của Công an tỉnh Hòa Bình của bác sĩ Hoàng Công Lương, Tổng hội Y học Việt Nam cho hay, việc khám chữa bệnh của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và bác sĩ Phạm Thị Huyền (bác sĩ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo cùng với bác sĩ Lương) căn cứ vào khoản 2, khoản 3, điều 6, luật Khám chữa bệnh: "Nghiêm cấm khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động. Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu".
Căn cứ vào quy định trên, bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh không đủ điều kiện khám chữa bệnh nên cần có sự giám sát, hỗ trợ của bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Việc bác sĩ Hoàng Công Lương ký vào bệnh án cùng với bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh là thể hiện việc giám sát, hỗ trợ của bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề là đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với bác sĩ Phạm Thị Huyền, hiện đã được cấp chứng chỉ hành nghề do vậy bác sĩ Huyền đủ điều kiện hành nghề độc lập. Do vậy, bác sĩ Lương không cần cùng ký bệnh án với bác sĩ Phạm Thị Huyền.
Theo Tổng hội Y học Việt Nam, nếu bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã có văn bản quy định về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO, sau khi sửa chữa bác sĩ điều trị chỉ được ra y lệnh vận hành máy khi đã có biên bản bàn giao chính thức giữa bên sửa chữa là công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh và bên yêu cầu sửa chữa là phòng Vật tư - Thiết bị y tế (bệnh viện da khoa tỉnh Hòa Bình).
Bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện đúng văn bản của bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ban hành về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO.
Trong trường hợp bệnh viện chưa ban hành văn bản quy định về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO phổ biến tới các bác sĩ trong Bệnh viện thì cần xem xét lại trách nhiệm của bác sĩ Hoàng Công Lương theo quy định tại Điều 34, Luật Khám chữa bệnh quy định về: Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh.