Vì sao hàng vạn người đền Bà Chúa Kho vay vốn ảo làm ăn?

Cả chục vạn người hành hương về ngôi đền này, với một mục đích kỳ lạ: Vay tiền Bà Chúa Kho để lấy vốn làm ăn.
Kỳ 1: Những chuyện đồn thổi
Có thể nói, hiếm có ngôi đền nhỏ nào thu hút giới kinh doanh, buôn bán nhiều như ngôi đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).
Cứ vào dịp đầu năm, cả chục vạn người hành hương về ngôi đền này, với một mục đích kỳ lạ: Vay tiền Bà Chúa Kho để lấy vốn làm ăn. Chuyện lạ ở chỗ, thay vì đến ngân hàng vay vốn, người ta lại đến… đền.
Vì sao con buôn, thương nhân cả nước kéo đến ngôi đền này? Phải chăng, nhiều người ăn nên làm ra khi đến vay vốn của bà Chúa Kho?
Chuyện thiêng quanh ngôi đền
Mặc dù ngày 15 tháng 1 (âm lịch) mới là ngày khai hội, thế nhưng, những ngày đầu tiên năm mới, dòng người đã đổ về đền Bà Chúa Kho nườm nượp. Đứng trên cao nhìn xuống, dòng người như đàn kiến kiên nhẫn nhích từng bước để được vào lễ trong đền.
Từ quốc lộ 1A, hàng trăm người dân bản địa chèo kéo, mồi chài du khách sắp lễ, dâng hương và đặc biệt là… cúng thuê.
Ở ngôi làng Cổ Mễ (xã Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh), có một nghề đặc biệt, mà cả trăm người hành nghề, ấy là cúng thuê. Không phải ai cũng biết cúng khấn, để Bà Chúa Kho rủ lòng thương cho vay ít vốn, nên hầu như đều phải thuê người cúng. Thợ cúng chủ yếu là phụ nữ, họ làm việc hết sức chuyên nghiệp.
Khổ sở chen qua dòng người nhồi như nêm ở bậc tam cấp dẫn vào đền, tôi tìm vào Ban quản lý di tích.
Ông Nguyễn Văn Tần, cán bộ của Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho tiếp đón nhiệt tình. Ông Tần là người gốc nhiều đời ở Cổ Mễ, nên chuyện quanh ngôi đền này ông nắm rất rõ. Những chuyện linh thiêng, kỳ lạ quanh ngôi đền này, ông bảo rằng, có kể cả ngày cũng chẳng hết.
Vi sao hang van nguoi den Ba Chua Kho vay von ao lam an?
Ông Nguyễn Văn Tần. 
Theo ông Tần, thực tế, làng ông tên là Cô Mễ, sau này đọc chệch đi thành Cổ Mễ. Cô là rau, mễ là gạo, nên cái tên làng đã thể hiện chuyện lương thực.
Ngôi đền nằm trên một quả núi, gọi là núi Kho. Cái tên núi Kho có từ xa xưa, liên quan đến kho lương thực trong truyền thuyết. Theo lời kể của cha ông, từ thời Pháp, thương nhân người Hà Nội, Hải Phòng đã tìm về quả núi Kho để khấn, lễ ở ngôi đền này. Khi đó, ngôi đền nhỏ, và người đến lễ cũng không đông. Tuy nhiên, dân trong vùng thì đều biết đến ngôi đền này và đều kể chuyện về nó với những tình tiết liêu trai.
Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng tại quả núi Kho nhà máy giấy Đông Dương. Đây là nhà máy rất lớn, bao trùm gần như toàn bộ quả núi. Ông chủ Bê-tô người Pháp sai người phá ngôi đền để xây dựng nhà máy, tuy nhiên, người dân Cổ Mễ đã quyết liệt phản đối.
Mặc dù người Pháp xây tường bao rất cao, bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng các cụ già vẫn bắc thang trèo vào, quyết lấy thân mình bảo vệ ngôi đền cổ này.
Một lần, khi Bê-tô quyết tâm phá đền, thì bà vợ tự dưng lăn ra đau bụng quằn quại. Bác sĩ giỏi được triệu đến, hết uống thuốc lại tiêm, nhưng những cơn đau quằn quại không hề dứt.
Trong hoàn cảnh đó, một công nhân người làng Cổ Mễ đã đề nghị làm mâm lễ cúng trong đền. Không biết làm cách nào khác, ông chủ Bê-tô đồng ý. Mấy người dân Cổ Mễ đã sắp lễ, cúng khấn trong ngôi đền nhỏ. Lễ cúng vừa dứt, thì vợ ông chủ Bê-tô hết đau bụng.
Vi sao hang van nguoi den Ba Chua Kho vay von ao lam an?-Hinh-2
Đền bà Chúa Kho trong ngày thanh vắng hiếm hoi. 
Kinh ngạc trước sự linh thiêng của ngôi đền, ông chủ Bê-tô không phá đền nữa, mà cho làm một con đường bê tông nhỏ từ cổng nhà máy dẫn lên đền và để người dân tự do ra vào cúng bái. Khi đó, ngôi đền rất nhỏ, nhưng vẫn có đủ 3 cung. Ngôi đền nằm dưới bóng 2 cây đa lớn mọc hai bên chái đền.
Vào năm 1967, giặc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt. TP. Bắc Ninh cũng là một trong những trọng điểm bắn phá, dội bom của địch. Bộ đội ta đã đặt pháo 57 ly trên núi Kho, ngay sau đền để bảo vệ cầu Đáp Cầu. Hai cây đa được hạ để mở rộng tầm nhìn.
Theo lời ông Tần, những người tham gia phá hai cây đa, người thì chết bất đắc kỳ tử, người bệnh tật, người thì có hoàn cảnh gia đình lục đục chả ra sao. Những chuyện kinh dị ấy có thể do trùng hợp, nhưng qua miệng dân gian, cứ một đồn mười, mười đồn trăm, khiến ngôi đền nhỏ càng thêm phần huyền bí.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất với người Cổ Mễ, là mặc dù máy bay địch dội bom san phẳng cả làng Cổ Mễ, san bằng nửa TP. Bắc Ninh, cày xới tan nát núi Kho, nhưng lạ thay, không có quả bom nào rơi vào ngôi đền. Cầu Đáp Cầu và cầu phao chỉ cách ngôi đền 400 mét, ngày đêm bị dội bom, nhưng tuyệt nhiên không có quả bom nào lạc vào ngôi đền này.
Cầu cây vàng, được cây vàng
Theo lời ông Nguyễn Văn Tần, từ xa xưa, khách thập phương đã biết đến ngôi đền này, nhưng chỉ lác đác đến, chứ không đông đúc khủng khiếp như ngày nay. Bao năm qua, Ban quản lý di tích không hề quảng bá rùm beng, không tuyên truyền gì, nhưng hữu xạ tự nhiên hương, người dân tứ xứ cứ kéo đến mỗi ngày một đông.
Là người gắn bó với ngôi đền này bao năm nay, ông Tần cũng không thể lý giải được vì sao người dân kéo đến cầu tài, cầu lộc nhiều như vậy.
Trước đây, ông Tần tham gia viết sớ, mấy năm nay thì phụ trách mảng ghi chép công đức, nên ông càng nắm rõ những chuyện liên quan đến vay – trả ở ngôi đền này. Ông có đến cả trăm, cả ngàn ví dụ về những câu chuyện linh thiêng, những vụ trúng quả, mà những người đi cầu tin rằng được Bà Chúa Kho phù hộ, giúp đỡ.
Vi sao hang van nguoi den Ba Chua Kho vay von ao lam an?-Hinh-3
Tượng bà Chúa Kho 
Ông Tần nhớ mãi chuyện một anh tên Tuấn, ngoài 30 tuổi, quê ở Nam Định. Cách nay khoảng 7 năm, khi đó, ông Tần còn làm công việc viết sớ.
Nói là viết sớ, nhưng thực tế là ghi lại nội dung, mong muốn, rồi kẹp lá sớ đó vào mâm lễ dâng lên Bà Chúa Kho. Thân chủ tự cúng khấn, hoặc thuê người cúng, rồi hóa vàng cùng lá sớ đó.
Bình thường, người ta đến cầu sức khỏe, tài lộc, hoặc vay một số vốn nào đó, có thể trăm triệu, trăm tỷ… để làm ăn, song anh này ghi rõ vào sớ rằng muốn vay của Bà một cây vàng. Ông Tần cứ thắc mắc, nhưng anh này không giải thích, cứ bảo ông viết như vậy. Ông Tần đề nghị phải ghi rõ trong sớ mục đích vay vàng, nhưng anh này không nghe, chỉ yêu cầu ông viết ngắn gọn, với nội dung vay Bà Chúa Kho một cây vàng.
Vi sao hang van nguoi den Ba Chua Kho vay von ao lam an?-Hinh-4
Những ngày đầu năm đền bà Chúa Kho lúc nào cũng nườm nượp người. 
Chưa đầy tuần sau, ông Tần gặp lại anh Tuấn. Anh này còn dẫn theo một người bạn. Nhìn khuôn mặt hớn hở của anh này, ông Tần đoán đã gặp may mắn trong chuyện làm ăn. Ông Tần đã kinh ngạc khi anh bảo rằng, đúng hôm lên đền Bà Chúa Kho xin vay một cây vàng, trên đường về Nam Định, đang đi bộ từ đầu làng về nhà, thấy dắt díu ở chân, anh nhìn xuống, thì lượm được chiếc dây chuyền vàng. Anh này đem ra tiệm vàng, cân đúng được một cây. Anh Tuấn liền bán luôn cây vàng và dùng vốn đó để làm ăn.
Nghe chuyện lạ, anh bạn của Tuấn liền đến ngay đền Bà Chúa Kho, đề nghị ông Tần viết sớ. Anh này thấy bạn cầu được ước thấy, liền đề nghị ông Tần viết sớ xin bà Chúa xuất kho cho vay 100 tỷ để mở công ty đóng tàu, quyết làm ăn lớn.
Anh ta sắm mâm lễ to, đầy đủ xôi gà, giò chả, rồi thuê thầy cúng chuyên nghiệp hành lễ ở cung cấm cả tiếng đồng hồ. Chuyện anh này có vay được tiền Bà Chúa Kho hay không, công việc làm ăn thế nào, ông Tần không biết, bởi không thấy anh ta quay lại.
Theo ông Tần, những người không quay lại trả lễ, thường làm ăn thất bại. Nếu làm ăn được, công việc hanh thông, thì cuối năm họ đều quay lại trả nợ Bà Chúa Kho bằng mâm lễ, hoặc một số tiền nhất định bằng cách công đức cho đền.

Theo Phong Nguyệt/VTC News

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN