Vì sao EVN lỗ nặng, còn công ty con lãi khủng?

Dù vừa tăng giá điện 3% nhưng EVN đã nóng lòng đề xuất tiếp tục tăng giá vào tháng 9/2023 để bù đắp thua lỗ liên tiếp.
Từ ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 3% lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc này được thực hiện sau thời gian dài EVN gặp nhiều khó khăn, thậm chí lỗ lớn khi giá đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện tăng cao.
Tiếp tục kiến nghị tăng giá điện để bù lỗ
Theo báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2022, EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao do tác động của giá nhiên liệu tăng đột biến, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cả năm 2022 lỗ “âm” 26.463 tỷ đồng.
EVN cho rằng việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4/5/2023, dự kiến doanh thu bán điện tăng thêm được khoảng 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại năm 2023. Mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và EVN vẫn khả năng còn lỗ, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang 26.463 tỷ đồng, dự kiến ước thực hiện cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỷ đồng.
Do đó, để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện vào đầu tháng 9/2023.
Vi sao EVN lo nang, con cong ty con lai khung?
Vì cớ gì EVN lỗ nặng… công ty con lãi khủng? 
Đáng chú ý, trong khi EVN lỗ lớn nhưng các công ty con của tập đoàn này lại lãi to. Theo đó, về tình hình kinh doanh, năm 2022, EVN báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng và tiếp tục lỗ trong quý I/2023. Tuy nhiên, cũng trong năm 2022, hầu hết các công ty điện trên cả nước, thậm chí cả những công ty con của EVN, đều báo lãi lớn.
Cụ thể, Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, năm 2022, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 3.084 tỷ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2021 và vượt hơn 52% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty đạt 1.264,8 tỷ đồng, vượt 40,8% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần mức lãi của năm trước đó. Hiện Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) là công ty con của Tập đoàn EVN nắm giữ gần 31% vốn tại Vĩnh Sơn - Sông Hinh.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP thủy điện Thác Bà cũng có 30% vốn của EVNGENCO3 báo đạt doanh thu hơn 742 tỷ đồng, tăng 44,2% và lợi nhuận sau thuế lên đến hơn 378,7 tỷ đồng, tăng 80,8% so với năm 2021.
Bên cạnh các doanh nghiệp thủy điện, các công ty nhiệt điện cũng đều báo lãi như trường hợp của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu thuần 10.417 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 760 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021 đồng thời vượt 76% kế hoạch cả năm. Hiện Tổng công ty Phát điện 2 thuộc EVN sở hữu 40% vốn tại công ty này…
Ngoài ra, những công ty phát điện là công ty con được hạch toán vào báo cáo của Tập đoàn EVN cũng đều ghi nhận kết quả kinh doanh khá cao. Đơn cử, năm 2022, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) đạt doanh thu thuần hợp nhất 47.287 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021; lãi sau thuế đạt gần 2.550 tỷ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch năm. Tương tự, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) cũng công bố năm 2022 tổng doanh thu đạt hơn 4.228 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.094 tỷ đồng.
Cần làm rõ các khoản lỗ của EVN
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, câu chuyện thua lỗ của EVN đã diễn ra nhiều lần trong khi các công ty điện vẫn liên tục báo lãi. Chi phí sản xuất, hoạt động của EVN cần được công khai, minh bạch, nhất là khi EVN mới tăng giá điện bán lẻ. Việc giá điện tăng ảnh hưởng đến đời sống của toàn dân và cả nền kinh tế nên người dân muốn hiểu rõ câu chuyện là điều tất yếu.
Trước đó, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội khóa XV, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đã đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 báo lỗ 26.000 tỷ đồng. Đặc biệt, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Dẫn chứng, doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3 vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 2.550 tỷ đồng…
"Nếu nói rằng EVN lỗ do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao công ty mẹ lỗ còn các công ty con lại lãi, đây có phải do năng lực quản lý không?", bà Yên hỏi và đề nghị làm rõ nguyên nhân gây lỗ của EVN.
Về vấn đề này, trong cuộc họp báo ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho hay, Việt Nam đã vận hành thị trường điện cạnh tranh với 3 cấp độ, áp dụng từ tháng 7/2012. Theo ông An, nguyên tắc vận hành thị trường này là EVN mua các nguồn điện có giá thấp đến cao. Tức là nhà máy phát điện nào chào giá thấp trên thị trường được huy động trước, giá cao sẽ huy động cuối cùng. Do đó, các nguồn từ thủy điện, than, khí, dầu, năng lượng tái tạo đều bán hết cho EVN.
"EVN hiện là nơi mua duy nhất, đóng vai trò mua hộ, phải mua với chi phí đắt đỏ, trong khi giá bán điện tới khách hàng do Nhà nước điều tiết", ông An nói.
Cũng theo ông An, nếu EVN không phải người mua duy nhất, khách hàng phải chịu giá điện cao từ đơn vị sản xuất. Đơn cử, nếu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo thiết kế, các nhà máy phát điện được chọn bán cho khách hàng trực tiếp. Như vậy, nếu khách hàng mua điện của nhà máy sản xuất giá cao bằng dầu, khí, họ phải tự trả đúng giá, không ai mua hộ và bán với giá thấp nữa. Đấy là nguyên tắc của thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Như vậy, thị trường đang vận hành theo nguyên tắc "single buyer", tức EVN đang đóng vai trò "mua hộ" và phải chịu các chi phí tăng cao khi giá mua điện tăng. Điều này đồng nghĩa, giá đầu vào theo thị trường, còn đầu ra bị khống chế, không theo thị trường, là lý do khiến EVN lỗ. Đây vừa là cái khó nhưng cũng là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích thêm.
Trước đó, hồi tháng 3/2023, công bố giá thành sản xuất điện năm 2022 của Bộ Công Thương cho thấy tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN gần 493.300 tỷ đồng. Mức này tương đương giá sản xuất hơn 2.032 đồng một kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức hơn 1.864 đồng một kWh từ tháng 3/2019 đến nay, điều này khiến EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra. Cả năm ngoái, tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 26.236 tỷ đồng.
Khoản lỗ này, theo Bộ Công Thương, chủ yếu do khâu phát điện tăng 21,5% so với 2021, hơn 412.243 tỷ đồng. Năm ngoái giá nhiên liệu cho sản xuất điện, như than, khí đều tăng vọt. Chẳng hạn, than pha trộn tăng hơn 34-46% so với giá cùng loại 2021; còn giá than nhập khẩu tăng 163% so với bình quân 2021.

Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN