Vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm chức năng, loạt công ty bị phạt

Theo danh sách các cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cập nhật từ ngày 17/1 đến 18/5, 10 đơn vị bị xử phạt do vi phạm quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm chức năng.

Mức phạt cao nhất 125 triệu đồng

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chăn nuôi gia công (địa chỉ Cụm công nghiệp xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị xử phạt cao nhất với số tiền trên 125 triệu đồng, vì hành vi vi phạm về chất lượng ghi nhãn đối với sản phẩm trứng gà ăn liền DEVI túi 10 quả, bản tự công bố sản phẩm số 003/IDB/2019 ngày 3/5/2019.

Tiếp đến, Công ty Cổ phần Khơ Thị Skincare & Clinic (222-224 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM) bị xử phạt 120 triệu đồng do vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe FIRST LIGHT CERAMIDES SKIN SUPPLEMENT - Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 6273/2019/ĐKSP ngày 3/6/2019; thực phẩm bảo vệ sức khỏe INVI-SUN SKIN DEFENSE SUPPLEMENT - Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2117/2019/ĐKSP ngày 5/3/2019; thực phẩm bảo vệ sức khỏe TRUE BRIGHT SKIN BRIGHTENING SUPPLEMENT - Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2113/2019/ĐKSP ngày 5/3/2019.

Công ty Cổ phần Dược phẩm quốc tế TAPHACO (tầng 1, số 44 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) bị Cục An toàn Thực phẩm phạt 75 triệu vì vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4237/2021/ĐKSP ngày 12/5/2021.

Một đơn vị khác là Công ty TNHH Dược phẩm ISOPHARMA (số nhà 38, ngõ 156 phố Hồng Mai, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) bị xử phạt 45 triệu đồng, vì vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Couple 5, thực phẩm bảo vệ sức khỏe YASMA, thực phẩm bảo vệ sức khỏe AOKKAO do Công ty TNHH Dược phẩm ISOPHARMA công bố, được Cục An toàn Thực phẩm cấp các giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm: Số 8583/2020/ĐKSP ngày 7/9/2020, số 8582/2020/ĐKSP ngày 7/9/2020, số 8498/2020/ĐKSP ngày 4/9/2020.


Quảng cáo thực phẩm chức năng - ảnh minh họa.

Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Hà Minh (457/4/6 Đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM) bị xử phạt 35 triệu đồng do vi phạm về chất lượng và ghi nhãn đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe THASUCAVN®PLUS, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3646/2022/ĐKSP ngày 27/5/2022. Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Hoạt huyết dưỡng lão Thiên Cân, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3320/2022/ĐKSP ngày 16/5/2022.

Tương tự, Công ty TNHH SX - TM Đông dược Thiên Phúc (Tổ 8, ấp Phước Tân 1, xã Phan, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) bị phạt 35 triệu đồng. Đơn vị này vi phạm chất lượng và ghi nhãn đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe THASUCAVN®PLUS, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3646/2022/ĐKSP ngày 27/05/2022. Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Hoạt huyết dưỡng lão Thiên Cân, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 3320/2022/ĐKSP ngày 16/5/2022.

Công ty Cổ phần Dược phẩm OSHII (Lô CN5 Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) bị phạt 35 triệu đồng vì hành vi vi phạm chất lượng và ghi nhãn đối với Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Letco Móng Quỷ - Vẹm xanh (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 5637/2021/ĐKSP ngày 22/6/2021.

Công ty Cổ phần Dược phẩm CYSINA (Số 16 liền kề 6A Làng Việt kiều châu Âu, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội) bị xử phạt 25 triệu đồng, do vi phạm quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe King Fucoidan & Agaricus (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 13658/2019/ĐKSP ngày 18/12/2019).

Công ty Cổ phần Sản xuất và phát triển sản phẩm hợp chất tự nhiên ALBA (Số nhà 25/ ngách 173/134 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội) bị xử phạt gần 5,3 triệu vì hành vi vi phạm chất lượng và ghi nhãn đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe SENCI OSSENX, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 6544/2019/ĐKSP ngày 7/6/2019.

Công ty TNHH Dược phẩm Tradiphar (Khu dân cư Phục Thiện, phường Hoàng Tiến, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương) bị xử phạt hơn 4,5 triệu vì hành vi chất lượng và ghi nhãn đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe SENCI OSSENX, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố số 6544/2019/ĐKSP ngày 7/6/2019.

Tình trạng kinh doanh thực phẩm, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vì lợi nhuận đã bất chấp quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chị Đặng Hà Vy (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), một trong những nạn nhân của thổi phồng quảng cáo “thần dược”, bức xúc nói: “Sự quan tâm của người tiêu dùng càng tăng, càng phát sinh nhiều vi phạm liên quan chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng đa dạng và nhiều chủng loại, vẫn được quảng cáo như ‘thần dược’, khiến nhiều người mua và sử dụng không hiệu quả, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng”.

Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều động thái chấn chỉnh tình trạng này, nhiều đơn vị vẫn quảng cáo sai sự thật công dụng của thực phẩm chức năng. Những lưu ý khi mua thực phẩm chức năng


Một phần danh sách cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm - cập nhật từ 17 - 1 đến 18- 5.

Theo các chuyên gia, về bản chất, thực phẩm chức năng có tác dụng tốt với sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, sản phẩm được “thổi phồng” về công dụng so với giá trị thực, sẽ gây hậu quả khôn lường.

Đáng chú ý, khi bị phát hiện, đa số công ty sản xuất và phân phối sản phẩm đều né tránh, không thừa nhận và chịu trách nhiệm với những thông tin đưa ra. Nhiều công ty lập tức đóng trang web và từ chối mọi câu hỏi của khách hàng.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi lựa chọn mua thực phẩm chức năng, người tiêu dùng trước tiên phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm, không thể dựa vào nhãn hàng mà tìm hiểu chất lượng. Nếu chỉ căn cứ quảng cáo và các công ty phân phối, người mua chỉ biết được một phần rất nhỏ về sản phẩm. Vì vậy, phải truy xuất được công ty sản xuất, sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn nào, có uy tín không?…

Sau đó, khách hàng tiếp tục tìm hiểu thông tin, tra số giấy phép của công ty trên website của cơ quan quản lý. Một cách nữa là tìm hiểu sản phẩm thông qua những người đã sử dụng.

Cũng liên quan vấn đề này, trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - cho biết, hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, theo Điều 52, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt như sau: Phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ mà không ghi hoặc ghi không đúng hay không đọc rõ hoặc quảng cáo mà không thể hiện nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Phạt tiền vi phạm hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng thiếu một số nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật, cũng như hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.

Phạt tiền xử vi phạm hành chính từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây ra hiểu lầm cho người tiêu dùng, khiến cho người tiêu dùng nghĩ nó có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Luật sư Bình nói thêm, hành vi vi phạm về quảng cáo, thực hiện quảng cáo gian dối gây ra hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, mức xử phạt bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm đối với người thực hiện quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ (thực phẩm chức năng) khi thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quảng cáo gian dối; đã bị kết án về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Tại hội thảo "Giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới" ngày 5/7 vừa qua, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, cho biết, hiện nay, việc kinh doanh khác kinh doanh truyền thống ngày trước, có kinh doanh online, quảng cáo online.

Quảng cáo thực phẩm chức năng sức khỏe rất tinh vi. Ví dụ, bệnh tiểu đường không chữa được vì là bệnh rối loạn chuyển hóa; cao huyết áp cũng không chữa được. Tuy nhiên, vô số quảng cáo tư vấn lấy cả nghệ sĩ, bác sĩ, dược sĩ, thậm chí cả… nhà sư ra quảng cáo thực phẩm như thuốc, có thể chữa khỏi.

“Bản thân tôi đã phải 3 lần làm việc với đại diện Facebook về vấn đề quảng cáo. Thực sự rất phức tạp...", ông Phong nói.

Ngọc Tuấn