Sự thực virus lạ gây triệu chứng ho ra máu ở Nga
Mới đây, tại Nga lan truyền thông tin cho rằng một loại virus chưa rõ nguồn gốc đã xuất hiện ở nước này, với các triệu chứng bao gồm ho ra máu và sốt cao, nhưng xét nghiệm Covid-19 và cúm đều cho kết quả âm tính. Theo thông tin ban đầu, những người mắc virus lạ này sẽ cảm thấy mệt mỏi và đau nhức cơ thể. Vài ngày sau, tình trạng sức khỏe của họ xấu đi nhanh chóng, có thể sốt cao tới 39 độ C, nằm liệt giường và ho ra máu.
Thậm chí, người đứng đầu văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Nga Batyr Berdyklychev cảnh báo nguy cơ cao xảy ra đại dịch mới do vi sinh vật đột biến.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Berdyklychev xác nhận, các trường hợp nghi nhiễm virus lạ gần đây ở Nga thực chất là nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumonia từng lưu hành ở nước này.
 |
Virus Mycoplasma gây viêm phổi - Ảnh minh họa |
Theo ThS.BS Nguyễn Huy Nhật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, vi khuẩn Mycoplasma là chủng vi khuẩn được phát hiện lần đầu vào năm 1898 ở cá thể bò mắc bệnh viêm phổi. Chúng có kích thước rất nhỏ, khoảng 0,15-0,3 micromet và không thể quan sát được dưới kính hiển vi thông thường.
Chúng thường xuyên cư trú ở niêm mạc miệng, hầu họng và đường sinh dục. Khi có điều kiện thuận lợi khiến số lượng vi khuẩn Mycoplasma tăng sinh đột biến, chúng sẽ gây bệnh. Hiện nay có khoảng 17 loài Mycoplasma có khả năng gây bệnh cho con người, nhưng trong đó có 4 tuýp gây ra phần lớn các bệnh nhiễm khuẩn phổ biến.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Mycoplasma pneumoniae (vi khuẩn không điển hình) là tác nhân quan trọng gây viêm phổi cộng đồng ở trẻ em. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở nhóm trẻ lớn.
Theo nghiên cứu của Mỹ, trẻ từ 5-10 tuổi, tỷ lệ mắc viêm phổi do Mycoplasma là 16%, trong khi đó nhóm trẻ 10-17 tuổi, tỷ lệ này lên đến 23%.
Ở Việt Nam, Mycoplasma là nguyên nhân gây bệnh hô hấp rất phổ biến. Một nghiên cứu tại TP HCM cho thấy, tỷ lệ nhiễm Mycoplasma chiếm tới 19,7% trong các trường hợp viêm phổi cộng đồng ở trẻ em.
Cử nhân Lê Thị Việt Hà, Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Medlatec cho biết, do cư trú ở nhiều vị trí trên cơ thể nên ngoài viêm phổi, nhóm vi khuẩn này cũng ký sinh ở cơ quan sinh dục của cả nam và nữ do đó gây ra các bệnh đường sinh dục.
Mycoplasma urealyticum và Mycoplasma genitalium gây viêm niệu đạo áp xe tuyến Bartholin, viêm vòi trứng. Mycoplasma hominis gây viêm khung chậu ở phụ nữ có thai, có thể gây sảy thai. Trẻ sinh ra có thể bị viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não… do mẹ bị nhiễm trùng sinh dục bởi loài vi khuẩn này.
 |
Thăm khám cho bệnh nhi viêm phổi do Mycoplasma tại Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh BVCC |
Nhiều biến chứng nguy hiểm cần nhận biết sớm
ThS.BS. Đỗ Hoàng Hải, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, khi vi khuẩn Mycoplasma xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần. Sau thời gian này, bệnh sẽ khởi phát, trẻ có những biểu hiện viêm long đường hô hấp: hắt hơi, sổ mũi, sốt.
Trẻ em bị viêm phổi có thể bị sốt cao, sốt liên tục từ 39 -40 độ C. Ngoài ra trẻ còn ho nhiều, ho rũ rượi từng cơn, ho đi kèm khó thở, thở nhanh gấp gáp. Những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ…
Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma có thể có biểu hiện những biến chứng ngoài phổi khác như: bị viêm kết mạc, nổi mày đay trên da, biến chứng tim mạch, biến chứng đường tiêu hoá, tiết niệu…
Những triệu chứng viêm phổi do Mycoplasma ở trẻ rất dễ nhầm với những tác nhân viêm phổi khác, để chẩn đoán xác định cần phải làm xét nghiệm đặc hiệu.
 |
Vi khuẩn Mycoplasma - Ảnh BVCC |
Vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ trong không khí, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là nên đeo khẩu trang.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi không điển hình nên cho trẻ đi khám chuyên khoa nhi để được chẩn đoán chính xác, được điều trị thích hợp.
Các biến chứng nghiêm trọng thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến trẻ phải nhập viện và đôi khi tử vong. Các biến chứng bao gồm: Viêm phổi nặng, khởi phát đợt cấp của hen phế quản, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson, nhiễm trùng huyết…
Cách phòng ngừa bệnh
Hiện nay chưa có vắc xin phòng Mycoplasma, do đó cần chú ý biện pháp ngăn ngừa bệnh:
- Tăng cường sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể bằng cách thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, có lối sống sinh hoạt khoa học hợp lý.
- Uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh hít khói bụi hay những nơi không khí ô nhiễm… vì những tác nhân đó có thể gây ho kéo dài hơn khi bị viêm phổi.
- Rửa tay bằng xà phòng, giữ môi trường sống trong lành, sạch sẽ, trồng thêm nhiều cây xanh.
- Hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Tiêm phòng đúng lịch, bởi nhiễm Mycoplasma có thể đồng nhiễm thêm những vi khuẩn khác như phế cầu, Hib…