Văn bia núi Non Nước – Ninh Bình: Sức sống trường tồn

Tọa lạc ở phường Thanh Bình của thành phố Ninh Bình, Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước là một thắng cảnh nổi tiếng, từng được người xưa ví là “cảnh tiên rơi cõi tục”.
Ngày 3/5 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại Di tích Quốc gia Đặc biệt núi Non Nước”.
Ngọn núi khiến nhiều tao nhân mặc khách si mê
Tọa lạc ở phường Thanh Bình của thành phố Ninh Bình, Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước là một thắng cảnh nổi tiếng, từng được người xưa ví là “cảnh tiên rơi cõi tục”. Từ nhiều thế kỷ trước, ngọn núi này đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho các đấng quân vương, bậc anh hùng đề thơ vịnh cảnh.
Tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, núi Non Nước có độ cao trung bình khoảng hơn 10 mét, nơi cao nhất là mỏm núi Đông Nam, khoảng 20 mét. Chiều dài núi theo hướng Đông Tây khoảng 50 mét, chiều ngang theo hướng Nam Bắc khoảng 40 mét. Và phía Đông, phía Tây đều dựng đứng và hiểm trở, chỉ có phía Nam là còn có chỗ thoai thoải, người xưa đã tạo bậc lên xuống để trèo lên đỉnh núi mà ngắm cảnh.
Suc song truong ton cua van bia nui Non Nuoc – Ninh Binh
Núi Non Nước trong sương. Ảnh: Trang TTĐT thành phố Ninh Bình.
Phía Bắc của núi trông xuống ngã ba sông Non Nước. Sát mép nước khu vực này có động. Trong động có đền thờ thần Tam phủ. Bên eo núi có tảng đá nằm sát mặt sông, trên có khắc 3 chữ lớn Hám giao đình (Đình ngắm giao long). Phía Tây Nam núi có đền thờ thần Sơn Tinh, Thủy Tinh. Trên đỉnh núi xưa có chùa Non Nước (Sơn Tinh tự). Theo sử sách thì thời cổ chùa Non Nước được dựng ở đây, đền thời vua Gia Long chuyển chùa về núi Cánh Diều gần đó. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua cho dựng phương đình ở núi Non Nước làm chỗ để khách vãng cảnh phóng tầm mắt ra bốn phía nhìn ngắm trời đất bao la.
Vào thời Trần, danh sĩ Trương Hán Siêu vì yêu cảnh đẹp nơi đây đổi gọi là núi Dục Thúy (có nghĩa là con chim trả tắm mình bên dòng sông nước bạc). Về già ông làm nhà ở đây. Danh nhân xưa đi qua núi Non Nước đề vịnh rất nhiều, tạo thành một “bộ sưu tập” văn bia ngoài trời vô giá của nhiều triều đại.
Một bảo tàng văn bia quý giữa thiên nhiên
Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho đến năm 2008, đã có tổng số 63 văn bia được thống kê ở núi Non Nước, gồm có 9 bia thời Trần, 8 bia thời Lê, 39 bia thời Nguyễn, 3 bia chưa xác định được niên đại. Do tác động của thiên nhiên và con người, một số bia đã hư hại, không còn đọc được.
Trong số 9 văn bia thời Trần hiện còn trên núi, có 1 bia ký sự, 1 bia sắc chỉ vua ban, 1 bia thơ, 6 bia còn lại là bia tiến cúng. Bia ký sự là bia “Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký” do Trương Hán Siêu soạn vào năm Thiệu Phong thứ 3 (1343) thời Trần, năm khánh thành một tòa tháp trên núi. Bia sắc chỉ do Thái thượng Hoàng đế Trần Hiến Tông khắc năm Thiệu Phong Kỷ Sửu (1349), được tạc ở góc bên trái (ngoài nhìn vào) vách đá có bia “Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký”. Bia thơ là tấm bia do Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh đề khắc ở vị trí thấp ngang mặt người đứng, bên phải (ngoài nhìn vào) bia “Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký”. Bài thơ được làm theo thể thơ 5 chữ 8 câu, lời lẽ thanh thoát, ý tứ hàm súc, nét chữ bay bướm khoáng đạt. Sáu bia tiến cúng ghi họ tên người tiến cúng, quê quán, chức hàm... cung cấp thông tin giá trị về xã hội, tổ chức hành chính thời Trần.
Suc song truong ton cua van bia nui Non Nuoc – Ninh Binh-Hinh-2
Một văn bia cổ trên núi Non Nước. Ảnh: Trang TTĐT thành phố Ninh Bình.
Về 8 văn bia thời Lê ở núi Non Nước, có 3 bia ngự đề của các vua Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 8 (1467) đề là “Dư bái yết”, Lê Hiến Tông năm Cảnh Thống thứ 4 (1501) đề là “Ngự chế đề Dục Thúy sơn”, Lê Tương Dực năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) đề là “Bảo Thiên động chủ đề”. Đây là 3 bia khắc bài thơ do các vua Lê lên chơi núi về vịnh, nội dung tả tình tả cảnh. Tiếp đó là 2 bia đại tự (chữ lớn): đầu tiên là bia “Vũ trụ dĩ lai” (từ khi có đất trời đã có núi này) của Ngô Thì Sĩ đề năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770), Ngô Thì Nhậm đề thêm vào trong năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782).
Tiếp đó là bia “Hám giao đình” (nơi ngồi ngắm giao long) của vua Lê Hiển Tông, do quan Cung tá Nguyễn Huy Tự phụng khắc vào năm Cảnh Hưng Nhâm Dần (1782). Có một bia “Trùng tu Sơn Thủy tự Phật tượng bi ký” (Văn bia tu sửa tượng Phật chùa Non Nước) đã bị hư hại nên nên không đọc được niên đại, nhưng qua đôi rồng yên ngựa ở trán bia cho biết thuộc thời Lê, thuộc thế kỷ 17. Cuối cùng là 2 bia thơ “Sơn du ngẫu đề” khắc năm Cảnh Hưng thứ 29 (1768) và “Tước khôn phách khảm cự linh công” do Nguyễn Huy Oánh đề tạc (1713 - 1789).
Văn bia thời Nguyễn chiếm số lượng lớn nhất trong bộ sưu tập bia ở núi Non Nước, với 39 bia. Văn bia thời Nguyễn ở đây đa phần là bia thơ của vua quan, các bậc tao nhân mặc khách đề tựa mỗi lần về qua Ninh Bình. Ngoài ra có một bia đại tự “Y nhiên thiên cổ” (ngàn năm vẫn thế) khắc năm Duy Tân thứ 2 (1908). Một bia có tựa đề “Loạn hậu đăng Dục Thúy sơn” khắc năm Tự Đức thứ 27 (1874) nói lên nỗi hoài cảm sau thời loạn lạc (Pháp đánh chiếm tỉnh Ninh Bình năm 1873), cuộc đời đổi thay dâu bể.
Một bia khắc vách động Tam phủ sát mép nước có tựa đề “Dục Thúy sơn thủy bi ký” năm Minh Mạng thứ 18 (1837) ghi rằng nhà phú hộ Lê Thế Trường ở vạn Châu Hộ đã xuất tiền thuê người khắc lại văn bia bị mờ trên núi. Trong số 39 bia thời Nguyễn, có 6 bia khắc bằng chữ quốc ngữ, nằm ở góc Đông Nam trên đỉnh núi
Giới nghiên cứu đánh giá, các bản văn khắc hiện còn trên vách đá ở núi Non Nước không chỉ là các tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, được phân bố hài hòa trên các vách đá phẳng, dựng đứng, làm tôn thêm vẻ đẹp và kết tinh giá trị văn hóa của thắng cảnh nổi tiếng đất Ninh Bình.

Hội thảo “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại Di tích Quốc gia Đặc biệt núi Non Nước” là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch “Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025” nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt này gắn với việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Sự kiện góp phần tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa, quảng bá, làm lan tỏa giá trị di tích và các di sản văn hóa phi vật thể gắn với Di tích Quốc gia Đặc biệt Núi Non Nước. Đây cũng là dịp để tỉnh tham vấn ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích vào các Danh sách di sản tư liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO.
Thanh Bình