Vắc xin chống ung thư của Nga được phát triển như thế nào?

Vắc xin được tạo ra trên cơ sở công nghệ mRNA, vốn đã được các nhà sản xuất thuốc Pfizer và Moderna sử dụng để sản xuất vắc xin phòng COVID-19.

Ngày 15/12, Hãng tin Tass đăng tin: "Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về X-quang trực thuộc Bộ Y tế Nga Andrei Kaprin vừa nói trên Đài phát thanh Radio Rossiya rằng Nga đã phát triển vắc xin mRNA chống ung thư của riêng mình và loại vắc xin này sẽ được cung cấp miễn phí cho bệnh nhân.

Vắc xin chống ung thư này được phát triển với sự hợp tác của một số trung tâm nghiên cứu. Theo kế hoạch, vắc xin sẽ được đưa vào lưu hành rộng rãi đầu năm 2025".

Nga dự kiến lưu hành rộng rãi vắc xin chống ung thư cho bệnh nhân từ đầu năm 2025. Ảnh: BSSNEWS.

Trước đó, ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya đã nói với TASS rằng các thử nghiệm tiền lâm sàng chỉ ra vắc xin mới ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn tiềm ẩn.

Ông Gintsburg lưu ý đây là loại vắc xin điều trị, sẽ được tiêm cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Vắc xin được tạo ra trên cơ sở công nghệ mRNA, vốn đã được các nhà sản xuất thuốc Pfizer và Moderna sử dụng để sản xuất vắc xin phòng COVID-19. Ông Gintsburg nói vắc xin mới có thể được sử dụng cho bất kỳ loại ung thư nào.

Các kế hoạch đang được triển khai để bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của vắc xin này với các loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư phổi, thận và tụy. Các viện ung thư dự kiến sẽ tham gia vào việc thử nghiệm này.

“Chúng tôi sẽ tạo ra vắc xin ngừa ung thư cho cá nhân bằng trí tuệ nhân tạo”, ông Gintsburg nói thêm. Ông ủng hộ việc áp dụng đổi mới công nghệ để cải tiến các phương pháp điều trị.

Không giống như các loại vắc xin phòng bệnh truyền thống, vắc xin chống ung thư của Nga được thiết kế để hỗ trợ hệ miễn dịch nhận diện và tấn công khối u một cách hiệu quả.

Công nghệ mARN trong vắc xin hoạt động bằng cách cung cấp các "hướng dẫn" để cơ thể sản xuất các protein cụ thể, giúp hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh.

Theo các chuyên gia, nếu thành công, loại vắc xin này không chỉ mang lại hy vọng cho các bệnh nhân ung thư mà còn có thể mở ra hướng đi mới trong điều trị các bệnh khác liên quan đến miễn dịch.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, nhưng các nhà nghiên cứu Nga vẫn đối mặt với không ít thách thức trong việc đưa vắc xin vào thực tiễn. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối sẽ là bước quyết định, nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn của vắc xin trước khi lưu hành rộng rãi.

Ông Gintsburg nhấn mạnh rằng, mặc dù vắc xin này mang tính cách mạng, nhưng cần có thời gian để thử nghiệm trên quy mô lớn, đặc biệt với các loại ung thư khó chữa như ung thư tụy.

B.Châu (Tổng hợp)