"Út Trọc", "Vũ Nhôm", "Hot Girl xứ Thanh" và bài học nước mắt

Những nhân vật có biệt danh “Út Trọc”, “Vũ Nhôm”, “Hot girl xứ Thanh”... liệu có mối liên hệ nào chăng?
Điều thấy rõ nhất, là những cái tên này được dư luận xã hội và truyền thông nhắc đến, với mật độ khá dày đặc trong thời gian gần đây. Mỗi người mỗi vẻ, không cùng đầu dây mối nhợ, không cùng hội cùng thuyền, nhưng họ cùng trở thành tâm điểm cho những cuộc bàn luận chính thức và không chính thức, về những “nhóm rác khủng” lộ diện và tan chảy dưới sức nóng lò lửa của Đảng thiêu đốt sự tha hoá, tiêu cực, tham nhũng; về dấu hiệu quyền lực ngầm, manh nha hình bóng mafia và sức phản kháng của xã hội... Họ chưa hẳn là tội phạm, nhưng những hậu quả mà họ gây ra cho xã hội lại mang đặc trưng của loại tội phạm.
Đó là góp phần làm tha hóa cán bộ trong bộ máy công quyền, làm méo mó các giá trị văn hóa truyền thống, vô hiệu hoá hiệu lực của cơ quan chức năng. Rõ nhất là gây tâm lý hụt hẫng, bất an trong xã hội, khiến niềm tin của nhân dân vào chế độ, hệ thống chính trị và tính nghiêm minh, công bằng của nhà nước pháp quyền bị sụt giảm.
Những biệt danh tai tiếng “Vũ nhôm”, “Út trọc”, “hot girl xứ Thanh”... để lại những “bài học nước mắt”. 
Họ cũng có điểm chung là khai thác, tận dụng mọi mối quan hệ, mượn hơi, núp bóng quyền lực để thu lợi, sau đó dùng vật chất và thứ “siêu vật chất” để can thiệp, sai khiến quyền lực. Những nhân vật kiểu này, khi nhận thấy dấu hiệu bị phát giác thường nhanh chóng tẩu tán hồ sơ, bôi xóa dấu vết, chọn chước “cao chạy xa bay”, tức “tẩu tán nhân sự”.
Dư luận xã hội và nhân dân quan tâm đến những nhân vật có biệt danh này là thể hiện thái độ tích cực trước diễn biến tình hình thời sự chính trị, xã hội của đất nước. Thêm một biệt danh “đen” được đưa ra ánh sáng là bớt đi mầm họa tội ác, bớt đi một liên danh lợi ích nhóm làm nghèo đất nước, làm vẩn đục thanh danh tổ chức, đồng thời tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, bớt đi cái cớ mà kẻ xấu, thế lực thù địch thường vin vào, giở trò chọc ngoáy, xuyên tạc.
Những cái tên gọi theo lối biệt danh này, khiến không ít người nhớ lại những cái tên tai tiếng một thời, cũng là những biệt danh, những “Khánh Trắng”, “Hiệp phò mã”, “Thuyết buôn vua”... Họ lôi kéo và chi phối quyền lực công, gây nhiễu loạn xã hội, khiến nhiều giá trị nhân bản bị đảo lộn... Những nhân vật gắn với biệt danh này khiến công chúng trong từng giai đoạn tâm trạng hồ nghi, căm phẫn nhưng e dè, thậm chí e sợ.
Những biệt danh tai tiếng “Vũ nhôm”, “Út trọc”, “hot girl xứ Thanh”... để lại những “bài học nước mắt”.
Nói “bài học nước mắt”, vì sau mỗi mất mát, hư hao, phẫn nộ và tiếc nuối, mới lại nhận ra những điều “nếu như”.
Nói “bài học nước mắt”, vì sau những “nếu như”, nếu là người tử tế, yêu Nước, thương Dân, vì Đảng, không thể không ứa trào nước mắt.
Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trí tuệ và liêm chính, thì chắc chắn họ không để nảy nòi những “Vũ nhôm”, “Út trọc”, “hot girl xứ Thanh” và nhiều nhân vật mang biệt danh khác gây nhiễu loạn xã hội, còn lẩn khuất đâu đó. “Bụt trên tòa, gà nào dám mổ”. Người đứng đầu nghiêm ngắn, thượng tôn pháp luật, thượng tôn tổ chức, không những cấp dưới không dám “đút chân lỗ mũi”, mà cả những đối tượng “mượn hơi hùm dọa khỉ”, cũng dễ gì múa may!
Thiếu sự liêm chính và trí tuệ, người đứng đầu dễ xa lánh sự tử tế, nảy sinh lòng tham, không biết thế nào là đủ, nhanh chóng tha hóa, biến thành kẻ chống lưng, đồng loã, bao che, thậm chí là đồng phạm. Thành ra chọn người đứng đầu, và khi cần, kịp thời thay người đứng đầu, là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại.
Con sâu làm rầu nồi canh. Đây lại là những “con sâu” mang mầm họa và “làm rầu nồi canh” trong cả một thời gian dài, khiến dư luận ồn ã, nhân dân bức xúc. Thế nhưng cơ quan chức năng, tổ chức Đảng, đơn vị chủ quản, người đứng đầu lại tỏ ra không hề biết? Đó là điều vừa khó hiểu, lại vừa không khó hiểu!
Từ hàng loạt vụ việc liên quan đến các nhân vật mang biệt danh này, không khó để tìm ra đích danh cá nhân, tổ chức liên quan phải chịu trách nhiệm. Đi đến cùng sự việc, xử lý đến cùng những cá nhân sai phạm, đó không chỉ là lời nói, mà là hành động thực sự, trong thời gian qua của Đảng ta. Xem ra, muốn trở thành “thanh bảo kiếm” thực sự giúp Đảng ngăn trừ “giặc nội xâm”, cơ quan chức năng phải soi lại mình, thanh lọc đội ngũ, xốc lại tổ chức.
Các nhân vật tai tiếng, gây “bão dư luận” trong một khoảng thời gian dài, không thể không nằm trong tầm ngắm, sự theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng và đơn vị chủ quản. Thế nhưng, họ lại dễ dàng tẩu tán tài sản, tẩu tán hồ sơ, “cao chạy xa bay”? Trường hợp “hot girl xứ Thanh” Trần Vũ Quỳnh Anh, nhiều câu hỏi về nhân vật này vẫn chưa được giải đáp. Ví như: Vì sao ông Ngô Văn Tuấn, khi là Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá lại liên tục thực hiện những việc làm trái nguyên tắc, trong đó có việc “nâng đỡ không trong sáng”mà không bị phát hiện, nhắc nhở? Giữa việc “nâng đỡ không trong sáng”với việc ông Ngô Văn Tuấn vào Tỉnh ủy viên, trở thành Phó Chủ tịch tỉnh một cách không bình thường, có mối liên hệ nào không? Có hay không, và động cơ nào Tỉnh ủy Thanh Hoá và người đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy, cố tình bao che, giảm tội cho ông Ngô Văn Tuấn? Do đâu cô Trần Vũ Quỳnh Anh thăng quan tiến chức một cách “chóng mặt”, “thần tốc”, sớm có khối tài sản lớn, lại vội vã chuyển nhượng tài sản, vội vã “mai danh ẩn tích”?
Những “Vũ nhôm”, “Út trọc”, hay những biệt danh nào khác còn chưa bị phát giác, lộ diện, là thứ phẩm dạng rác của một giai đoạn đất nước chuyển đổi để hoàn thiện. Ra tay dọn sạch loại rác này và các loại rác độc hại khác, là ngăn trừ mầm họa, để đất nước an bình, phát triển, để không lặp lại “bài học nước mắt” từ những người tử tế.
Theo Uông Ngọc Dậu/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN