USD biến động, vàng tăng kỷ lục... đầu cơ có rủi ro?

Trước tình trạng giá vàng tăng kỷ lục những ngày qua, trong khi đồng USD cũng đang tăng “nóng”, chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng.

Trao đổi với Khoa học & Đời sống, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Vũ Vinh Phú đều cho rằng, đầu cơ vàng miếng hay vàng nhẫn thời điểm này đều có rủi ro. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ lo ngại, khi giá USD, vàng tăng, chi phí đối với nền kinh tế sẽ cao hơn.

Giá vàng, USD cùng tăng “nóng”

Giá vàng những ngày qua tăng mạnh, trong khi giá USD cũng biến động tăng, theo các chuyên gia, nguyên nhân là gì?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Trong những ngày qua, giá vàng, đặc biệt là vàng miếng SJC, tăng mạnh. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là giá vàng thế giới những ngày qua tăng khoảng 38 USD/ounce, sau khi chỉ số sản xuất kinh doanh của Mỹ, chỉ số giảm lạm phát, cũng như các yếu tố liên quan nền kinh tế Mỹ, không như mong muốn.

Thứ hai, cung cầu vàng SJC tương đối lệch nhau. Hiện nay, cầu nhiều, cung thấp. Các nhà kinh doanh mua đi, bán lại vàng SJC đang có trên thị trường, trong khi rất nhiều người mong muốn giữ vàng SJC trong tay. Lượng bán ít dẫn đến giá vàng SJC tăng đáng kể. Một số chuyên gia dự báo, giá vàng thế giới có thể lên mức 2.100 đến 2.400 USD/ounce thời gian tới.

Thị trường vàng nhẫn cũng tăng giá đáng kể do nhu cầu mua vàng nhẫn để cầu may, làm quà cưới hay tích trữ tăng lên… Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta đang hướng tới sửa Nghị định 24, việc kinh doanh vàng nhẫn được coi là lựa chọn để đảm bảo an toàn khi người ta chưa biết Nghị định 24 sửa theo hướng nào. Bên cạnh đó, do giá vàng thế giới tăng, lượng vàng sản xuất vàng nhẫn tăng giá theo.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Giá vàng thế giới tăng mạnh trên 2.100 USD/ounce, kéo theo sự tăng giá chóng mặt của giá vàng trong nước, có lúc vượt mốc 82,5 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện mua vào lượng lớn vàng.

Một nguyên nhân khác, khi có những biến động về địa chính trị thế giới, vàng là tài sản an toàn. Ngoài ra, giá vàng còn chịu tác động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong nước, vàng miếng SJC đang ở dạng độc quyền nên cung không đủ cầu... Nhìn chung, trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Fed có tín hiệu đảo chiều, nhu cầu vàng của thế giới liên tục tăng kết hợp tình hình xung đột địa chính trị, biến động kinh tế thế giới tiếp tục xảy ra, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá vàng còn nhiều dư địa để gia tăng thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng gần 2%, trong khi tỷ giá tại thị trường tự do ghi nhận mức tăng cao hơn (xấp xỉ 3%). Tỷ giá trung tâm ngày 13/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố 23.957 đồng/USD, tăng nhẹ 2 đồng so với hôm trước, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.759 - 25.155 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.104 đồng/USD chiều bán ra. Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 24.450 - 24.820 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD tự do tại thị trường Hà Nội, mua vào khoảng 25.320 đồng/USD, bán ra 25.550 đồng/USD.

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều xuất, nhập khẩu. Việt Nam xuất khẩu hơn 100% GDP, nhập khẩu cũng hơn 100% GDP, trong khi xuất siêu, nên việc giá USD tăng lên, nguyên liệu cho sản xuất đều nhập khẩu đắt hơn.

Khi xuất khẩu, Việt Nam phải cố gắng giữ mặt hàng của mình để có sức cạnh tranh với các nước khác, khi họ không phải tăng chi phí. Bởi chi phí của Việt Nam là chi phí logistics, vận chuyển, giao hàng… đều cộng vào và được tính bằng USD. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế, đòi hỏi doanh nghiệp và người dân phải tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh mới giữ được giá trị của đồng Việt Nam. Nếu không, giá USD và vàng tăng, chi phí với nền kinh tế sẽ cao hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Cẩn trọng khi đầu tư

Giá vàng tăng kỷ lục như những ngày qua và giá USD biến động, đầu cơ thời điểm này có rủi ro?

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Vàng tăng giá cũng là một trong những yếu tố dẫn đến trào lưu đầu tư vào vàng tăng lên thời gian qua. Chúng ta cũng nhìn thấy một điều, lãi suất huy động thời gian qua xuống quá thấp, do đó các nhà đầu tư vẫn đổ tiền và đầu tư kinh doanh vàng.

Trong khi ấy, điều kiện kinh doanh bất động sản hiện nay có nhiều khó khăn, rõ ràng kinh doanh vàng vẫn có lợi thế. Tuy nhiên, chính tâm lý đám đông, nhiều người tham gia, càng đẩy giá vàng, cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn, lên giá rất cao. Khi các nhà đầu tư cần bán để thu hồi vốn, khả năng rủi ro rất lớn.

Giá vàng trong nước hiện nay cách khá xa giá vàng thế giới, đặc biệt là vàng SJC lên đến 20 triệu đồng/ lượng. Đây là rủi ro rất lớn. Chưa nói đến độ vênh giữa mua vào, bán ra rất lớn. Do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng trong mua, bán vàng để tránh thiệt hại trong quá trình đầu tư kinh doanh.

Với vàng nhẫn, thời gian qua, do hoạt động cung cầu, nguồn đầu tư khó khăn, lượng người mua nhiều, giá vàng tăng tương đối cao. Các nhà đầu tư nên lưu ý, mua vàng nhẫn cũng có rủi ro lớn khi khoảng cách mua vào - bán ra cũng tăng và giá vàng thời gian qua tăng tương đối cao.

Thời gian tới, về nguyên tắc, giá vàng có chiều hướng tăng, nhưng không quá lớn. Tháng 3/2024, giá vàng thế giới có thể quay về mốc quanh ngưỡng hơn 2.000 USD/ounce. Nếu ở mốc này, tính ra giá vàng Việt Nam cũng tương đối rẻ chứ không đến mức quá cao. Nếu vàng tăng giá tiếp, có thể vào dịp cuối năm, nhưng tăng lại giảm và tăng không quá nhiều. Các nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng trong quá trình kinh doanh, đầu tư vàng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Trong lúc giá vàng, USD biến động khó lường, tôi khuyên các nhà đầu tư nên bình tĩnh để cân nhắc khi mua vào hoặc bán ra hay đầu tư loại kim quý này. Không nên chạy theo tâm lý đám đông mà theo dõi để tránh thiệt hại, tổn thương khi đầu tư vàng, USD.

Bởi, khi sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Trong khi đó, đối với ngoại tệ, so với đầu năm, tỷ giá USD/VND chỉ tăng 1,7%, là mức biến động rất nhỏ so với các kênh đầu tư khác, nên có đổ tiền vào USD cũng không hấp dẫn.

Xin cảm ơn các chuyên gia.

Những ngày gần đây, giá vàng tăng kỷ lục. Có thời điểm, giá vàng miếng SJC leo dốc, vượt 82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn lên hơn 71 triệu đồng/lượng.

Đến chiều 13/3, giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn quay đầu giảm nhưng vẫn ở mức cao. Vàng miếng SJC về mức 78 - 80,5 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 800.000 đồng/lượng so với sáng cùng ngày. Giá vàng nhẫn trơn 67,23 - 68,73 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng cùng ngày.

Những ngày qua, đồng USD tăng “nóng”. Trong phiên giao dịch ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD ở mức 23.957 đồng/USD, tăng 2 đồng so với phiên liền trước.

Với biên độ giao dịch cho phép ở mức +/-5% theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá sàn/trần đồng bạc xanh các ngân hàng thương mại được phép giao dịch hôm nay là 22.759 - 25.154 đồng/USD.

Trong phiên giao dịch ngày 13/3, tỷ giá quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do tiếp tục giảm xuống mức 25.320 đồng/USD, giảm 160 đồng so với phiên liền trước. Giá bán ra rớt 50 đồng, hiện giao dịch quanh mức 25.550 đồng/USD.

Ngày 15/2, tại Chỉ thị 06, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới và phải hoàn thành trong quý I năm nay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không chấp nhận mức chênh lệch giá như hiện nay. Dù thương hiệu SJC độc quyền vàng miếng hay các thương hiệu khác vẫn phải đảm bảo mục tiêu cuối cùng là ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng các yếu tố vĩ mô khác, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Nhà nước luôn tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ vàng người dân. Ngân hàng Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng SJC, cũng không chấp nhận chênh lệch vàng SJC và thế giới hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, còn hơn 10 ngày nữa là hết quý I/2024, chưa thấy Ngân hàng Nhà nước có động thái mới.

Hải Ninh thực hiện