UNESCO thực hành bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Từ đó đến nay, nhiều chương trình bảo tồn văn hóa đạo Mẫu đã được thực hành, giúp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

Nhân dịp Xuân Nhâm Dân, Unesco Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư Laicity đã tổ chức chương trình bảo tồn và lưu giữ tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Lưu Phái (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) với sự thực hành của Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa.

nghe-nhan-nguyen-tien-nghia.jpg
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa - thủ nhang đền Lưu Phái cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.

Trong văn hóa truyền thống của Việt Nam thường có lễ Tết Thượng nguyên đầu năm để cầu mong cho mọi người một năm mới có nhiều sức khỏe, đất nước Việt Nam bình an, thịnh vượng, thế giới được hòa bình. 

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2.000 địa điểm, di tích thờ Mẫu, trong đó có 4 phủ, 210 đền, 892 điện, 33 miếu và số còn lại là điện tư nhân. Đáng nói, trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có những bất cập khi một số thanh đồng, cung văn tận dụng tín ngưỡng để thực hiện mục đích tư lợi cá nhân.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, người muốn trở thành đồng thầy phải trải qua 12 năm tu dưỡng mới được "đẻ đồng". Tuy nhiên, hiện nay không ít người mới "thử đồng" được 3 năm, thậm chí 1 năm đã tự phong cho mình là đồng thầy, coi như một nghề thu lợi cá nhân.

ba-huong.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Chia sẻ về điều này, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa của Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào cho người Việt Nam. Cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn, phải phát huy di sản tốt hơn. Cần thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp vốn có, không bị làm sai lệch, biến tướng, làm tầm thường hóa, thương mại hóa.

nghe-si-chinh.jpg
Nghệ nhân hát chầu văn anh Nguyễn Xuân Chinh.

Là một nghệ sĩ hát chầu văn nhiều năm, anh Nguyễn Xuân Chinh chia sẻ: “Sau nhiều năm tham gia hát chầu văn phục vụ nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa hầu đồng tôi đã hiểu được rất nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống qua nghi lễ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam.

Là một nghệ sĩ trẻ, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại này, đặc biệt là góp phần chung tay loại bỏ những hành vi phản cảm về văn hóa trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu này”.

Theo bà Hường, điểm đặc biệt trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là có sự kết hợp của thần đạo, Phật giáo và thánh bản địa. Để phát huy giá trị văn hóa của di sản, bên cạnh việc xử lý nghiêm những biểu hiện lệch lạc, chưa hay và chưa đẹp, lợi dụng tín ngưỡng này để trục lợi thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu được giá trị tích cực của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những hạn chế, để từ đó có ý thức đấu tranh, đẩy lùi hạn chế, phát huy cái tốt... Có như vậy, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu mới trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt.

PV