UB Thường vụ Quốc hội nêu nguyên nhân giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Hoàn thành 10/15 chỉ tiêu

Báo cáo của Chính phủ về dánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 khẳng định, tình hình kinh tế-xã hội có xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Nước ta tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu; hoàn thành 10/15 chỉ tiêu chủ yếu.

Về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm, báo cáo nêu rõ tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

UB Thuong vu Quoc hoi neu nguyen nhan gia vang trong nuoc va the gioi chenh lech lon

Toàn cảnh phiên họp sáng 13/5. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi tích cực trong những tháng đầu năm, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động của tình hình của thế giới, khu vực.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy mạnh tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt cho những mô hình kinh tế mới và động lực tăng trưởng mới, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, bến cảng, đường cao tốc, đường gom, nút giao kết nối, dự án có tính liên vùng, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn, dự án hạ tầng đô thị, chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Chính phủ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi, sản xuất chíp, bán dẫn; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tập trung gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2024.

Buôn lậu vàng diễn biến phức tạp

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tình hình KTXH nước ta năm 2023 đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản đạt được kết quả tích cực, có 10/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tuy nhiên báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86.400 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81.300 doanh nghiệp).

Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro.

Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.

Tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã vượt 25.000 đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới, chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn duy trì ở mức âm.

UB Thuong vu Quoc hoi neu nguyen nhan gia vang trong nuoc va the gioi chenh lech lon-Hinh-2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300.000 tỷ đồng (cao nhất trong 3 năm gần đây) trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.

Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua có những hạn chế, bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất, điểm nghẽn tăng năng suất lao động... Công tác dự báo còn hạn chế, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số Bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, có nơi, có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao.

Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức ở Trung ương và địa phương chưa quyết liệt, nhạy bén, kịp thời, trách nhiệm với nhiệm vụ, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc.

Đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.

Theo Quang Tuyền/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN