Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với quy mô dịch lớn hơn, nguy cơ dịch cao hơn, nhiều chuyên gia khuyến nghị các F1 nên cách ly ở nhà, F0 với triệu chứng nhẹ cũng được khuyến khích không cần nhập viện. Điều này được xem là cần thiết để ứng phó với tình trạng hiện tại.
Theo báo cáo của văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này, số liệu từ 24/4 - 13/6 cho thấy ở Việt Nam có 78.506 người thuộc diện F1 tại 39 tỉnh, thành có dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, số ca nhiễm mới tại TP HCM liên tục tăng với hơn 100 ca mỗi ngày, kéo theo hàng ngàn người phải cách ly tập trung. Điều này khiến hệ thống cách ly tập trung quá tải cục bộ, tạo nên rủi ro lây nhiễm chéo, tăng gánh nặng về nhân lực, vật lực, đòi hỏi phải thay đổi các biện pháp chống dịch vốn có từ trước đến nay.
|
Ảnh minh họa. |
Ngày 4/6, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu khi dịch qua giai đoạn cao điểm nóng, tình hình bắt đầu được kiểm soát, 2 địa phương này cần đẩy nhanh việc thí điểm "cách ly tại chỗ, cách ly tại nhà và tự lấy mẫu xét nghiệm".
TP HCM, tâm dịch nóng nhất cả nước hiện nay cũng phải tính đến phương án này vì số lượng người phải cách ly dần vượt quá năng lực kiểm soát. Nếu vẫn giữ phương án cách ly tập trung F1 thì sẽ phải mở rộng quy mô khu cách ly tập trung. Trường hợp xấu khi số F1 lên đến chục ngàn ca mỗi ngày thì sẽ tạo ra gánh nặng cực lớn.
Chính vì vậy, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết ngành y tế TP đang tính đến việc thí điểm cách ly tại nhà đối với F1.
TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: "Nên xem xét để F1 cách ly tại nhà", vừa tránh lây nhiễm chéo vừa tiết kiệm được ngân sách nhà nước. Thêm nữa, theo kinh nghiệm của các nước chống dịch hiệu quả, đa số các F1 đều cách ly tại nhà theo hướng dẫn y tế.
Hiện, Bộ Y tế đã bàn bạc và xây dựng phương án đến khi khu cách ly tập trung không đáp ứng nổi thì triển khai biện pháp cách ly với đối tượng F1 tại nhà. Tuy nhiên, cách ly tại nhà cũng phải bảo đảm chăm sóc y tế giống như các khu cách ly tập trung, đồng thời xét nghiệm theo dõi cũng phải thực hiện nghiêm túc, chuẩn chỉ.
Song song với đó là phải phân loại kỹ, không làm đại trà. Với những người F1 tiếp xúc rất gần và có nguy cơ cao vẫn phải cách ly tập trung. Còn những người thường xuyên giữ khoảng cách xa với F0 mới được cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, người dân phải được được trang bị kiến thức kỹ lưỡng về dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt phải chấp hành cách ly nghiêm túc, đúng hướng dẫn thì việc cách ly F1 tại nhà mới hiệu quả. Cần phải bắt buộc F1 ký cam kết để đảm bảo không vi phạm quy định.
|
Ảnh minh họa. |
Với những F0 có triệu chứng và biểu hiện lâm sàng nhẹ, tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Anh... cũng được khuyến khích tự cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà.
Cụ thể, tại Mỹ, những người mắc COVID-19 nhưng có triệu chứng bệnh nhẹ và F1 có tiếp xúc gần ca dương tính sẽ được cách ly tại nhà và được theo dõi tình trạng sức khỏe cùng các triệu chứng khác, nếu có, như sốt, ho, khó thở, nếu tiến triển nặng sẽ được nhập viện điều trị.
Tại Singapore, khi có kết quả xét nghiệm COVID-19, nếu dương tính sẽ được đánh giá tình trạng nặng hay nhẹ. Nặng thì lập tức được cách ly chữa trị tập trung, nhẹ hoặc không có triệu chứng đáng kể thì không càn thiết nhập viện mà được đưa đến cơ sở chăm sóc cộng đồng để chờ bình phục với các biện pháp can thiệp tối thiểu. Khi tiến triển xấu mới nhập viện.
Tại Anh, F0 cũng được yêu cầu cách ly tại nhà nếu như biểu hiện bệnh nhẹ. Những người cách ly không được phép ra khỏi nhà và phải thông báo tình trạng của mình cho những người đã từng tiếp xúc. Đồng thời phải tuân thủ mọi hướng dẫn y tế cần thiết. Chỉ khi tình trạng diễn tiến nặng thêm mới nhập viện điều trị tập trung.