Thời gian gần đây, tại các giao lộ ở cửa ngõ phía Đông TP HCM như nút giao thông Cát Lái (trên xa lộ Hà Nội), nút giao vào đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, ngã tư Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ - Lương Định Của… thuộc phường An Phú (quận 2, TP HCM) thường xuyên xuất hiện nhiều trẻ em đen đúa, rách rưới lao ra xin tiền khi các phương tiện tham gia giao thông dừng chờ đèn đỏ.
Tại các khu vực này cũng xuất hiện những người mặc quần áo tu hành, ôm bình bát… xin tiền.
|
Tại các giao lộ ở cửa ngõ phía Đông TP HCM thuộc phường An Phú, quận 2 thường xuyên xuất hiện nhiều trẻ em đen đúa, rách rưới lao ra xin tiền. |
|
Tại các khu vực này cũng xuất hiện những người mặc quần áo tu hành, ôm bình bát… xin tiền. |
Nhìn những đứa trẻ đáng thương cũng như muốn tạo phước, nhiều người đã rút tiền ra cho; thậm chí có người sau khi để tiền vào bình bát còn chấp tay kính cẩn xá người mặc quần áo tu hành.
Tuy nhiên, mới đây phóng viên đã bí mật ghi nhận sự thật diễn ra phía sau cảnh “đáng thương” của những đứa trẻ và các đối tượng giả người tu hành.
Theo đó, 2 người phụ nữ lớn tuổi trải tấm chiếu phía trong lùm cây rợp bóng mát cạnh nhà ga Metro An Phú nằm nghỉ và quan sát những đứa trẻ “làm ăn” phía ngoài khu vực đèn giao thông dưới dốc cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội.
|
2 người phụ nữ lớn tuổi trải tấm chiếu phía trong lùm cây rợp bóng mát cạnh nhà ga Metro An Phú nằm nghỉ và quan sát những đứa trẻ “làm ăn” phía ngoài khu vực đèn giao thông dưới dốc cầu Rạch Chiếc trên XLHN. |
|
Các đối tượng giả người tu hành, chăn dắt trẻ em xin ăn hoạt động bát nháo ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn. |
Phóng viên cũng theo chân 2 đứa trẻ giả người tu hành sau khi xin tiền tại nút giao nói trên lên xe máy trở về nhà trọ ở phường Long Bình, quận 9.
Tại đây, sau khi đưa toàn bộ số tiền “làm ăn” suốt buổi sáng cho người phụ nữ được chúng gọi là “cô Tư”, 2 đứa trẻ mỗi đứa 1 điện thoại di động thông minh nằm, ngồi để chơi điện tử. Trong khi đó, người phụ nữ thản nhiên đổ tiền ra giữa nhà để kiểm đếm.
|
Các đối tượng giả người tu hành kiểm đếm tiền sau một buổi "làm ăn". |
Ngày 30/7, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND phường An Phú, quận 2 cho biết, trong năm 2018 đến giữa năm 2019, UBND phường đã lập hồ sơ xử lý 18 đối tượng.
Trong đó có 16 đối tượng là người già, phụ nữ, trẻ em được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội theo diện xin ăn, sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định; 2 trường hợp giả người tu hành được nhắc nhở, ghi cam kết không được tiếp tục ăn xin.
Theo lãnh đạo UBND phường An Phú, cuối tháng 5 vừa qua, các ngành chức năng phường đã bắt được một nhóm chuyên chăn dắt trẻ em xin ăn tại khu vực nút giao Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ gần (cầu Giồng Ông Tố 2, quận 2) gồm 2 phụ nữ, 4 trẻ em (tất cả là người Campuchia).
Sau đó, phường đã lập hồ sơ đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP HCM. Tuy nhiên, một cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội phường khẳng định, nhóm người nói trên không hiểu sao mới đây lại tái xuất hiện trên địa bàn.
|
Nhà chức trách phường An Phú, quận 2 từng đưa nhiều đối tượng chăn dắt trẻ em vào Trung tâm xã hội TP HCM. |
Trong khi đó, các đối tượng giả người tu hành cũng từng bị UBND phường An Phú nhắc nhở, bắt buộc ghi cam kết không được tiếp tục xin ăn lại tiếp tục xuất hiện.
“Từ nay cho đến cuối năm 2020, các ngành chức năng phường sẽ quyết liệt xử lý tình trạng người xin ăn, người sinh sống không có nơi cư trú ổn định thường xuyên tập trung trên địa bàn.
Nhất là tại các nút giao thông như đường vào cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ - Lương Định Của, khu vực đèn giao thông dưới dốc cầu Rạch Chiếc…”, lãnh đạo phường An Phú khẳng định.