Ngày trước, khi còn đi học, tôi thường nghe mọi người an ủi nhau rằng “Thôi không sao đâu, bằng cấp không nói lên điều gì” mỗi khi ai đó thi trượt hoặc không đạt được kết quả như ý. Đương nhiên, với một kẻ hiếu thắng trong việc học hành, tôi coi những lời nói đó chỉ là ngụy biện cho những thất bại.
Tuy nhiên, thời gian dần khiến nhận thức của tôi thay đổi. Quả thật, “bằng cấp chẳng nói lên điều gì”. Có được sự thay đổi đó, phần nhiều cũng nhờ không ít cán bộ “mượn bằng”, dùng bằng giả trên khắp cả nước.
Ngày 13/6 vừa qua, Ban tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Trung Thành – Trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ (thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương) với hình thức cách chức.
|
Trưởng phòng bảo vệ Chính trị nội bộ mới bị kỷ luật cách chức vì không có bằng cấp 3. (Ảnh: Trí thức trẻ) |
Theo đó, ông Thành đã mắc phải một số vi phạm vô cùng nghiêm trọng liên quan đến bằng cấp, hồ sơ. Bằng cấp 3 và bằng đại học của ông Thành đều được xác minh, xác định là không hợp pháp. Tuy vậy, ông vẫn sử dụng những tấm bằng đó để nâng ngạch công chức, đào tạo và bổ nhiệm vào chức danh cán bộ quản lý cấp phòng. Đấy, đúng là tấm bằng ĐH Luật của ông Thành đâu có “nói lên điều gì” bởi đến bằng tốt nghiệp THPT ông còn chẳng có.
Dù sao thì so với hàng loạt vụ cán bộ mượn bằng, dùng bằng giả trước, sự việc lần này khiến độc giả “dễ chịu” hơn nhiều. Thứ nhất đó là bởi cách xử lý sai phạm kịp thời, thích đáng của Tỉnh ủy Hải Dương và thứ hai đó là cách ứng xử “khá” văn minh của người sai phạm – thành khẩn nhận lỗi, nhận thức rõ mức độ sai phạm của mình và tự nộp đơn xin nghỉ việc.
Đều là những lỗi liên quan đến sự gian dối trong bằng cấp, ấy vậy mà hàng loạt cán bộ khác như Trưởng ban Tổ chức thành ủy Vị Thanh (Hậu Giang) hay Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Thành (Đồng Nai)... chỉ bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo. Và sau đó, chẳng một ai nhắc đến những lỗ hổng về bằng cấp, hồ sơ của những vị lãnh đạo đó.
Đương nhiên, chiếc ghế của những vị lãnh đạo "không tốt nghiệp cấp 3" vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt", không một ai thấy xấu hổ vì sự gian dối của bản thân, cũng chẳng có bất kỳ một lá đơn “xin từ chức” nào.
Thế mới thấy, dù có muộn màng, dù có xin thôi việc vào đúng ngày nhận quyết định kỷ luật thì những việc làm đó ông Thành cũng khiến cá nhân tôi cảm thấy nhận định của bà Vũ Thị Phương - Phó Ban thường trực, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương về ông là hoàn toàn chính xác. (Bà Phương từng nói với báo chí rằng: “Ông Thành làm việc hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn về cơ bản đáp ứng yêu cầu của công việc”)
Sau sự việc này, nhiều người đã thắc mắc rằng “chẳng lẽ cứ sai thì mới chịu sửa”? Nhưng cá nhân tôi thấy thà “sai rồi sửa” còn hơn là biết sai những vẫn “lặng thinh”, không chịu sửa hoặc sửa bằng cách "có cũng như không".
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả