Trừ điểm GPLX, nếu do một đơn vị thực hiện, dễ dẫn đến tiêu cực

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc trừ điểm giấy phép lái xe nếu chỉ do một đơn vị thực hiện, rất dễ dẫn đến sai sót, có tiêu cực

Mới đây, cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo), nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất nên bổ sung quy định tính điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục quy định về điểm, trừ điểm GPLX.

Các ý kiến này cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe ở một số nước trên thế giới đang thực hiện.

Đề xuất tính điểm GPLX.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu bổ sung thêm hình thức trừ điểm giấy phép lái xe sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho người được cấp giấy phép lái xe.

ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với quy định trừ điểm, song cũng bày tỏ lo ngại khi công việc này chỉ do một đơn vị thực hiện, rất dễ dẫn đến sai sót, có tiêu cực.

“Có thể người vi phạm sợ phải thi lại bằng nên dẫn đến có sự 'mặc cả' với CSGT trong việc xử phạt. Chính vì vậy, trong việc này để phòng tránh tiêu cực thì trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Công an”, ông Hoà nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhiều nước cũng đã áp dụng thành công hình thức này. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh, công khai, minh bạch thì sẽ có tác dụng tốt góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đối với người điều khiển phương tiện.

Theo ông Quyền, để việc này được công khai, minh bạch, đòi hỏi cơ quan thực thi phải áp dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu dùng chung để các cơ quan quản lý, người dân cùng giám sát. Đơn vị chủ trì sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tiêu cực.

Thiếu tá Nguyễn Khánh Ly, Viện Khoa học cảnh sát, Học viện CSND cũng bày tỏ quan điểm đồng tính với việc áp dụng trừ điểm GPLX, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp ngăn ngừa lái xe vi phạm giao thông, nhất là nồng độ cồn.

Trong đó, đáng chú ý là việc bổ sung những quy định như phạt tù đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn gây TNGT nghiêm trọng theo hướng quy định là một tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự; áp dụng trừ điểm GPLX; phạt lũy tiến, buộc thi lại GPLX, lao động công ích.

Thiên Tuấn