AI (trí tuệ nhân tạo) ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, với sự hội tụ của các mô hình học máy, khoa học dữ liệu cải thiện quá trình điều trị bệnh nhân.
Theo trang Daily Mail, nhóm nghiên cứu tại Klick Labs (Mỹ) đã đạt được thành tựu trên sau khi mô hình học máy AI của họ xác định được 14 đặc điểm âm thanh khác biệt giữa những người không mắc bệnh và những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
AI đã tập trung vào một tập hợp các đặc điểm của giọng nói, trong đó có những thay đổi nhỏ về cao độ và cường độ giọng nói mà tai người không thể nghe thấy. Sau đó, ghép dữ liệu đó với thông tin sức khỏe cơ bản, bao gồm tuổi, giới tính, chiều cao và cân nặng của người tham gia nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy giới tính đóng vai trò quyết định: AI có thể chẩn đoán bệnh chính xác với tỷ lệ 89% đối với phụ nữ, nhưng kém chính xác hơn một chút là 86% đối với nam giới.
|
AI sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn khi được bổ sung độ tuổi và chỉ số khối cơ thể (BMI) của bệnh nhân vào mô hình dự đoán. Ảnh minh họa |
Mô hình AI này hứa hẹn sẽ giúp giảm đáng kể chi phí để thăm khám bệnh. Nhóm nghiên cứu cho biết mô hình của Klick Labs sẽ chính xác hơn khi được nhập thêm dữ liệu độ tuổi và chỉ số khối cơ thể (BMI) của người bệnh.
Ông Yan Fossat, Phó Giám đốc Klick Labs và là nhà nghiên cứu chính trong mô hình trên, tự tin rằng sản phẩm công nghệ giọng nói của họ mang tiềm năng to lớn trong việc xác định bệnh tiểu đường tuýp 2 và các tình trạng sức khỏe khác.
Theo số liệu từ Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, công cụ trên có thể hữu ích cho khoảng 240 triệu người trưởng thành trên khắp thế giới đang sống chung với căn bệnh này mà không hề nhận ra.
“Công nghệ giọng nói có thể cách mạng hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe như một công cụ sàng lọc kỹ thuật số dễ tiếp cận và giá cả phải chăng”, nhà khoa học Yan Fossat nhận định.
Bước tiếp theo của nhóm tác giả là mở rộng nghiên cứu để phát hiện bệnh tiền tiểu đường, tăng huyết áp dựa vào giọng nói.