Tránh thú nuôi tấn công

Trường hợp em bé 8 tháng tuổi ở Hà Nội bị chó ngao Tây Tạng cắn tử vong khiến không ít gia đình lo lắng về việc thú nuôi tấn công chủ ngay trong nhà.

Một loài chó ngao Tây Tạng.

Mất mạng vì chó dữ

Mới đây, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận một trường hợp bé gái 8 tháng tuổi (ở quận Ba Đình, Hà Nội) bị chó nhà cắn tử vong. Người nhà cho biết mẹ cháu bé đang làm việc nhà, bất ngờ chó ngao Tây Tạng nhà nuôi, nặng khoảng 40 kg tấn công cháu bé. Người mẹ lao vào cứu con gái, cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay. Khi giằng được con ra, đưa con đi cấp cứu nhưng do sốc mất máu bởi những vết thương vùng đầu và hai bên thái dương, nên bé đã tử vong. Người nhà nạn nhân cho biết con chó được gia đình nuôi đã lâu và không đeo rọ mõm.

Tháng 5 vừa qua, BV Nhi trung ương cấp cứu bé trai N.M.D, 2 tuổi (ở huyện Ba Vì, Hà Nội) bị tổn thương phức tạp vùng hàm mặt và nhiều cơ quan mắt, mũi, miệng, tổn thương tuyến nước bọt… do bé chơi với chó con mới đẻ nên bị chó mẹ lao đến cắn.

Trung tá Nguyễn Trung Kiên, chuyên đào tạo chó nghiệp vụ, phó trưởng Khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết, chó ngao là một trong những giống chó được thuần hóa muộn nhất, là giống chó hoang dã, chó dữ. Tuy vậy, khi đã thuần hóa thì ít khi chúng cắn người. Tuy nhiên có câu “hàm chó, vó ngựa”, khi đã nuôi con gì cũng phải đề phòng khả năng bị chúng tấn công, đặc biệt là các giống chó có nguồn gốc là chó dữ. Việc chó bỗng dưng tấn công chủ có thể do nhiều nguyên nhân mà con người không biết được.

“Chúng có thể bất ngờ trở nên hung dữ do một vài yếu tố tác động nào đó làm thay đổi sinh lý. Chó ngao đã thuần hóa thì về cơ bản chúng hiền lành, thông minh, biết nghe lệnh chủ. Điều nguy hiểm là con người, kể cả chủ nuôi cũng không thể biết được lúc nào chúng chuẩn bị “lên cơn điên”, sẵn sàng tấn công. Do đó, việc nuôi chó dữ trong nhà cần hết sức cẩn thận, tránh những tai nạn đáng tiếc”, trung tá Nguyễn Trung Kiên cho biết.

Không cho trẻ em chơi với chó dữ

Theo Trung tá Nguyễn Trung Kiên, mùa hè là thời điểm dịch dại bùng phát nên chó rất dễ phát cuồng cắn người vô cớ, các gia đình phải tiêm phòng dại định kỳ cho chó đầy đủ. Khi bị chó cắn vào vùng nhiều dây thần kinh như gần đầu, mặt, cổ, bộ phận sinh dục, lòng bàn tay; cần đi tiêm phòng vắc-xin ngay.

Nếu bị chó cắn vào các bộ phận khác của cơ thể có thể trì hoãn tiêm phòng nhưng phải theo dõi sát sức khỏe con chó. Nếu không theo dõi được hoặc chó chết trong vòng 10 ngày thì phải đi tiêm phòng. Người dân tuyệt đối không điều trị chó cắn bằng thuốc nam, không tự chữa… bởi khi đã lên cơn dại, bệnh nhân vô phương cứu chữa.

Đối với những gia đình nuôi chó dữ làm cảnh, nhất thiết không được trẻ em chơi đùa với chó. Trẻ em là đối tượng không có sức phản kháng để tự bảo vệ, không nhận biết được mức độ nguy hiểm khi sờ, nắm vào người chó. Nhiều khi, hành động khua chân múa tay của trẻ nhỏ lại làm chó tưởng đó là miếng mồi nên cắn xé.

Dù con chó có được cho là hiền lành thế nào cũng không được cho trẻ em nô giỡn chơi đùa cùng, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, chó phải được xích lại vào một khu, cho vào cũi khi có người lạ vào nhà.

“Nhiều người không tìm hiểu kỹ về các loài chó mà nuôi theo trào lưu, theo sở thích thì rất nguy hiểm. Khi nuôi một giống chó nào đó làm cảnh, đặc biệt là các giống chó hoang dã, cần phải tìm hiểu thật cẩn thận về chúng như tập quán, thói quen, các rủi ro gặp phải. Cùng với đó là các biện pháp bảo vệ, cách ly. Không nên tạo thói quen xấu như cho chó vào phòng ngủ chơi đùa với trẻ, cho ngồi lên xe ô tô đi chơi cùng….”, Trung tá Nguyễn Trung Kiên cho biết.

Trung tá Nguyễn Trung Kiên cho biết, khi nuôi chó cảnh phải có phương án đề phòng như nuôi từ nhỏ, giáo dục đúng cách, có đủ điều kiện chuồng cũi để quản lý thật an toàn, khi dắt chó đi ngoài đường phải rọ mõm và kiểm soát bằng dây dắt. Chủ nhân nuôi các giống chó dữ nên đi học ở những trung tâm huấn luyện có uy tín và đặc biệt phải có biển cảnh báo “có chó dữ” trước cổng nhà.

Bảo Khánh