TPHCM đề xuất miễn phí xe buýt cho học sinh

Chủ tịch HĐND, TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, đề xuất của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc miễn phí xe buýt cho học sinh rất hay và khả năng của thành phố có thể đáp ứng được.
Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về trợ giá xe buýt - hiệu quả và giải pháp, do HĐND TPHCM tổ chức mới đây, Phó giám đốc Sở GDĐT Bùi Thị Diễm Thu cho rằng chủ trương trợ giá dịch vụ xe buýt cho học sinh, sinh viên, thậm chí là miễn phí xe buýt cho học sinh, sinh viên (HSSV) là đúng đắn vì đảm bảo an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông.
Sở GD&ĐT đã vận động một số trường học có điều kiện phát triển loại hình xe đưa rước học sinh nhưng do giá dịch vụ còn cao nên phụ huynh và học sinh đăng ký không nhiều.
Tuy nhiên, do việc phân tuyến, phân luồng chưa phù hợp, việc tiếp cận xe buýt khó khăn; xe chạy chưa đúng giờ… nên HS đi xe buýt ngày càng giảm, nhất là tại các huyện ngoại thành.
TPHCM de xuat mien phi xe buyt cho hoc sinh
 Năm 2018, TPHCM dự kiến chi 1.300 tỷ đồng trợ giá xe buýt
Bà Thu đề xuất TPHCM miễn phí cho HS đi xe buýt. Tại các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, HS được trợ giá 4 lượt/ngày còn ở các quận nội thành chỉ 2 lượt/ngày, trong khi HS hầu hết học hai buổi với 4 lượt đi - về trong ngày.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Thị Ngọc Cẩm, trên địa bàn huyện có 4 tuyến được trợ giá với gần 60 phương tiện, hoạt động từ 4 - 21 giờ mỗi ngày và 23 trường học được bố trí xe buýt đưa rước và số HS đăng ký đi xe buýt chiếm 54%.
“Qua khảo sát của huyện, xe đưa rước HS hầu hết đã cũ, an toàn không đảm bảo, rất cần UBND thành phố hỗ trợ thay thế phương tiện”, bà Cẩm nói.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: Đề xuất miễn phí xe buýt cho HS của Sở GD&ĐT rất hay và trong khả năng của TPHCM có thể đáp ứng được. Làm sao để các em không còn phàn nàn đi xe buýt có cảm giác bánh xe sắp rớt ra ngoài khi gặp gỡ đối thoại với lãnh đạo TPHCM.
Tuy nhiên, bà Tâm cũng nói người dân còn phàn nàn về việc nhiều lái xe buýt thấy khách thuộc đối tượng được miễn giảm (người lớn tuổi, khuyết tật, trẻ em…) thì …bỏ trạm luôn hoặc có thái độ phục vụ không tốt.
TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cho biết qua khảo sát, tuy người dân hài lòng về giá vé xe buýt (nhờ được trợ giá) nhưng vẫn còn phàn nàn tình trạng mất an ninh, an toàn khi đi xe buýt như xe chạy quá nhanh, dừng không đúng trạm, không sát lề. Vệ sinh tại trạm dừng và trên xe buýt người dân cũng chưa khiến người dân hài lòng. Chỉ số hài lòng đối với dịch vụ xe buýt của những người đi làm, đi học năm 2016 là 37% và năm 2017 giảm còn 24%.
Chờ trợ giá
Nhiều xã viên phàn nàn về việc chậm chi trả tiền trợ giá xe buýt. Theo bà Tống Thị Thu Thanh, phó giám đốc Hợp tác xã vận tải Quyết Thắng, TPHCM trợ giá cho người đi xe buýt bằng cách hỗ trợ giá vé với mức cao nhất là 49%. Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, các đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt gặp nhiều khó khăn. Bộ định mức trợ giá ban hành từ năm 2009 có nhiều định mức không còn phù hợp do trượt giá nhiên liệu, nhiều tuyến lượng khách đi xe buýt đã bão hòa nên tiền trợ giá không đủ bù chi phí.
Ông Trần Thanh Tùng, xã viên HTX Quyết Thắng nói các chi phí hoạt động hiện nay đều tăng cao. Chi phí đầu tư mua xe tăng 2- 3 lần so với định mức hiện hành; khấu hao phương tiện vẫn tính như năm 2009 là không còn phù hợp. Xã viên không thể tích lũy thu hồi vốn đầu tư… Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng nhanh, chỉ trong năm 2018 đã 8 lần tăng giá.
“Hơn ba tháng nay các xã viên chưa nhận được tiền trợ giá. Thành phố cần sớm ban hành bộ định giá mới, có chính sách hỗ trợ lãi vay mua xe mới, thì xã viên mới an tâm đầu tư và hoạt động”, ông Tùng nói.
Đồng tình với các đơn vị vận tải xe buýt, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng nói việc trợ giá nhằm khuyến khích người dân đi xe buýt để giảm ùn tắc giao thông và thực hiện chính sách an sinh đối với các đối tượng chính sách (chiếm trên 50% lượng khách) bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Ngọc Thùy Trang, việc chậm trễ chi trả tiền trợ giá là do vừa qua, liên Sở Tài chính, GTVT lấy ý kiến các đơn vị để xây dựng bộ định mức mới trình UBND TPHCM ban hành trong năm 2018. “Phải điều chỉnh tăng dự toán do tăng luồng tuyến mới và đánh giá lại những luồng tuyến không hiệu quả. 6 tháng đầu năm lượng khách thực tế từ 45 lượt giảm còn 35 lượt/chuyến. Sử dụng ngân sách đòi hỏi chặt chẽ”, bà Trang nói.
Theo Huy Thịnh/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN