TP HCM kỷ luật 66 cán bộ sai phạm trong vụ Thủ Thiêm

Tối 1/7, tiếp xúc với cử tri quận 1 trước kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã xem xét, kỷ luật 66 cán bộ có sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và sẽ báo cáo kết quả xử lý với Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngay trong tháng 7/2020.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bức xúc về công tác chống ngập. Cử tri Nguyễn Văn Phú (phường Đa Kao) nói chủ đầu tư và cơ quan chịu trách nhiệm về các công trình chống ngập không hiệu quả chính là chính quyền TPHCM các thời kỳ. Không ít lần lãnh đạo TPHCM đã xác định thời gian hoàn thành công trình và cam kết sẽ hết ngập nhưng thực tế chứng minh TPHCM càng chống, càng ngập.

“Gần đây, TPHCM chống ngập sáng tạo bằng cách…nâng đường. Đường nâng cao, nước đổ vào hẻm lại ngập trong hẻm, ngập nhà dân. Cuộc sống, sinh hoạt và đi lại bị đảo lộn. Người dân khốn khổ mà không thấy lãnh đạo nào lên tiếng xin lỗi người dân”, ông Phú bức xúc.

Cử tri này yêu cầu thành phố lên tiếng xin lỗi dân trên báo chí và các phương tiện truyền thông.

Nói về sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), cử tri Nguyễn Văn Phú cho rằng việc xử lý cán bộ sai phạm vừa qua còn rất hình thức dù Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra “tham nhũng dù chỉ một xu thì phải coi đảng viên đó không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng”.

TP HCM ky luat 66 can bo sai pham trong vu Thu Thiem

Cử tri Nguyễn Văn Phú

Dẫn ra một số trường hợp cán bộ lãnh đạo ở TPHCM bị kỷ luật nhưng chỉ cách chức một nhiệm kỳ hoặc không cách hết các chức vụ nên vẫn nhởn nhơ, ông Phú đề nghị TPHCM tiếp tục xử lý nghiêm minh các cán bộ đã mắc sai phạm, làm người dân khốn khổ khiếu kiện suốt hơn 20 năm qua. Ông băn khoăn: “HĐND TPHCM khóa này đã sắp hết nhiệm kỳ, vậy có xử lý cán bộ có được hay không?”

Một số cử tri bức xúc cho rằng công tái lập lại trật tự lòng lề đường ban đầu đạt hiệu quả cao, hợp lòng dân nhưng thời gian gần đây có biểu hiện “buông xuôi” do lãnh đạo thành phố thiếu kiên quyết...

Trả lời cử tri về xử lý sai phạm ở Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết UBND TPHCM đã trình và được HĐND TPHCM thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, bổ sung cho các hộ dân khu 4,3 ha thuộc khu phố 1 (phường Bình An) mà Thanh tra Chính phủ đã xác định ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

“TPHCM đang ráo riết triển khai thực hiện các nội dung theo Nghị quyết của HĐND TP về vấn đề này”, ông Phong cho hay.

TP HCM ky luat 66 can bo sai pham trong vu Thu Thiem-Hinh-2

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trả lời cử tri

Về xử lý sai phạm của các cán bộ liên quan đến dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho hay vừa qua đã xử lý cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hiện nay có 66 cán bộ thuộc Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đang kiểm điểm và bị xem xét xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ đã nghỉ hưu. Ông Phong khẳng định: TPHCM sẽ báo cáo với Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết quả xử lý cán bộ ngay trong tháng 7.

Về vấn đề ngập nước, ông Nguyễn Thành Phong nói giảm ngập nước là một trong bảy chương trình đột phá của TPHCM. Có những mặt thành phố đã làm được nhưng cũng có những mặt phải tiếp tục làm và làm quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

“Có nhiều nguyên nhân gây ngập, trong đó do tác động của biến đổi khí hậu làm cho lượng mưa lớn, triều cường dâng cao. Những năm gần đây TPHCM đang lún, có những nơi lún gần 6 cm/năm. Lún có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khai thác nước ngầm. Do đó, TPHCM đang có lộ trình giảm khai thác nước ngầm”, ông Phong cho hay.

Về dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” trị giá đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết vừa qua đã đi kiểm tra. Dự án có thể sẽ hoàn thành và phát huy hiệu quả cuối năm nay.

Về công tác lập lại trật tự lòng lề đường. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định TPHCM vẫn kiên trì thực hiện nhưng việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nếu chỉ thực hiện giải pháp hành chính thì khó có kết quả bền vững.

Theo Huy Thịnh/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN