Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) là một sự kiện lịch sử trọng đại, với các hoạt động chính diễn ra tại TPHCM. Không khí chuẩn bị đang lan tỏa mạnh mẽ trong lòng thành phố và cả nước. Phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, để hiểu rõ hơn về công tác chuẩn bị và những kỳ vọng của thành phố.
 |
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Mai Loan. |
Thưa bà, không khí chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP HCM hiện nay như thế nào, đặc biệt là về mặt tinh thần và sự tham gia của người dân các giới?
Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy: Thời điểm này, TP HCM đang thực sự rất rộn ràng. Có thể cảm nhận rõ rằng mỗi người dân đều thấy mình có một phần gắn bó với sự kiện này và luôn mong muốn được tham gia đóng góp mỗi khi có cơ hội. Điều này thể hiện qua sự quan tâm sâu sắc của mọi tầng lớp, từ người trẻ, người lớn tuổi, đến các cô chú đã trực tiếp trải qua thời kỳ kháng chiến. Không chỉ người dân thành phố, mà lòng người dân cả nước cũng đang hướng về thành phố mang tên Bác. Chúng tôi cảm nhận rõ sự háo hức và dòng người từ các tỉnh thành, cũng như du khách, đang và sẽ đổ về thành phố rất đông trong dịp này. TP HCM luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón tất cả mọi người cùng hòa nhịp vào các sự kiện lễ lớn sắp tới.
Vậy thành phố đang triển khai những hoạt động cụ thể nào và xác định trách nhiệm của mình ra sao trong sự kiện trọng đại này?
Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy: Thành phố xác định đây là trách nhiệm trọng tâm của mình. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng và tổ chức chu đáo các chương trình văn hóa nghệ thuật, các hoạt động ý nghĩa như "Đi về chiến trường xưa" dành cho nhân dân, cán bộ chiến sĩ và các cựu chiến binh. Các hoạt động diễn tập chuẩn bị cho Đại lễ, cùng các chương trình văn hóa, nghệ thuật, phim ảnh cũng đang được triển khai rất sôi nổi. Đồng thời, thành phố cũng tích cực phối hợp với các đơn vị văn hóa nghệ thuật ngoài nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức nhiều hoạt động phong phú, phục vụ tốt nhất cho công chúng, người dân và du khách.
 |
Những bóng hồng kiên cường trong đội hình khối nữ du kích miền Nam – biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất. Hình ảnh ngày đầu hợp luyện diễu binh kỷ niệm Đại lễ 30/4. |
Bên cạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước, bà có thể chia sẻ rõ hơn về sự tham gia của các đơn vị ngoài nhà nước, đơn vị tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật? Công tác chuẩn bị của họ diễn ra như thế nào?
Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy: Sự tham gia của các đơn vị ngoài nhà nước rất đáng ghi nhận và thể hiện sự chuẩn bị công phu, từ rất sớm. Một ví dụ điển hình là dự án phim "Địa đạo" – một tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật ấp ủ và chuẩn bị từ cách đây khá lâu, hướng tới cột mốc 50 năm. Điều này cho thấy họ đã có sự sẵn sàng về tâm lý và tâm thế để đóng góp những sản phẩm chất lượng, ý nghĩa cho sự kiện trọng đại này.
Ngoài ra, các đơn vị lớn chuyên tổ chức sự kiện nghệ thuật cũng chủ động lồng ghép các nội dung liên quan. Chẳng hạn, các chương trình như "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Anh trai say hi" đã khéo léo đưa vào các bài hát truyền thống, được phối lại theo phong cách hiện đại, phù hợp với giới trẻ. Cách làm này không chỉ tạo không khí rộn ràng, mà còn kết nối các thế hệ, từ người lớn đến trẻ em và thanh niên, khơi dậy niềm tự hào và những cảm xúc đặc biệt.
Điều đáng quý là sự tham gia này hoàn toàn xuất phát từ tinh thần tự nguyện và trách nhiệm. Các đơn vị tự xây dựng chương trình, gắn kết với mục tiêu chung và sự vận động chung của đất nước, chứ không hề có sự tác động hay yêu cầu nào từ phía nhà nước. Đây chính là minh chứng sống động cho sự gắn bó và kết nối truyền thống sâu sắc của giới văn hóa nghệ thuật với các sự kiện quốc gia.
Sự hưởng ứng của giới văn nghệ sĩ đối với sự kiện này được thể hiện ra sao, thưa bà?
Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy: Giới văn nghệ sĩ, bao gồm cả các đơn vị trong và ngoài nhà nước, đang thể hiện sự đồng lòng và đóng góp rất tích cực qua nhiều sản phẩm nghệ thuật đa dạng. Từ những nghệ sĩ gạo cội, những người có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, đến các gương mặt nghệ sĩ trẻ, tất cả đều chung một tấm lòng hướng về Đại lễ. Họ không ngần ngại tham gia, thậm chí rất háo hức, mỗi khi có chương trình và nhận được lời mời. Sự tham gia nhiệt tình này chính là đóng góp quý báu của các anh chị em văn nghệ sĩ vào chuỗi hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam. Thành phố rất trân trọng điều này và đang nỗ lực tổ chức, xây dựng thêm nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng, mời gọi các văn nghệ sĩ cùng tham gia.
Với một sự kiện quy mô lớn như vậy, TPHCM kỳ vọng gì về tác động kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong việc kích cầu du lịch và dịch vụ?
Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy: Xét về góc độ kích cầu tăng trưởng, đặc biệt là cho ngành dịch vụ và du lịch, Đại lễ kỷ niệm 50 năm được kỳ vọng là một cú hích quan trọng, nhất là trong quý II năm 2025. Chúng tôi dự báo các hoạt động lữ hành, du lịch, cùng toàn bộ hệ thống dịch vụ liên quan như lưu trú, ẩm thực, vận chuyển... sẽ rất sôi động và có sự tăng trưởng cao. Kỳ vọng của thành phố là sự kiện này sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng nguồn thu, đồng thời nâng cao sức hút của TP HCM như một điểm đến du lịch và trung tâm dịch vụ hàng đầu. Mục tiêu không chỉ là tăng trưởng kinh tế, mà còn là mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dân và du khách, để họ vừa có thể thăm lại các di tích lịch sử, sống lại những khoảnh khắc hào hùng, vừa được thưởng thức những sản phẩm văn hóa, dịch vụ đặc sắc, phản ánh sự phát triển của thành phố và đất nước.
Ngoài ý nghĩa lịch sử và tác động kinh tế trước mắt, việc tổ chức Đại lễ còn mang lại những cơ hội chiến lược nào khác cho TPHCM trong dài hạn?
Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy: Đại lễ 50 năm là cơ hội vàng để TP HCM khẳng định vị thế, vai trò trung tâm của mình, đặc biệt trong việc phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ. Đây cũng là dịp để thu hút sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ các đối tác, đơn vị lữ hành quốc tế.
Bên cạnh đó, quy mô và yêu cầu cao của sự kiện cũng là "phép thử" quan trọng, thúc đẩy toàn bộ ngành dịch vụ của thành phố phải nâng cao chất lượng, đáp ứng những tiêu chuẩn phục vụ ở tầng nấc cao nhất. Điều này sẽ tạo đà cho sự phát triển bền vững hơn sau này.
Cuối cùng, đây cũng là dịp để thành phố tự đánh giá năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Qua đó, chúng tôi có thể nhìn nhận rõ hơn khả năng đáp ứng của hệ thống dịch vụ, các tour tuyến, chương trình đón khách... để có những điều chỉnh cần thiết, hướng tới sự phát triển hiệu quả và tốt hơn trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết, từ ngày 19/4 – 30/4/2025 sẽ có chuỗi hoạt động hưởng ứng sẽ tiếp nối liên tục trên diện rộng toàn Thành phố, cụ thể:
Trình diễn nghệ thuật tại 03 sân khấu dọc đường đi bộ Nguyễn Huệ, với các chương trình “Sắc màu Thành phố”, “Nhịp điệu trẻ”, “Hành trình tương lai”, quy tụ các đoàn nghệ thuật dân gian, đương đại, quốc tế và nghệ sĩ trẻ nổi bật của Thành phố.
Triển lãm nghệ thuật sắp đặt “Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30/4/1975” tại tuyến đường đi bộ.
Chương trình “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc – Cảm nhận nhịp điệu của sáng tạo” tại khu vực Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế, do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Thành phố tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc.
Triển lãm điện ảnh “Âm vang đại thắng mùa Xuân 1975”, với 300 ảnh tư liệu quý, chiếu phim cộng đồng vào đêm 27 và 28/4 tại sân khấu Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ngày hội Thống nhất non sông” được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên toàn quốc:
Tái hiện bản hùng ca của dân tộc qua nhạc giao hưởng, hợp xướng,
Trình diễn thể thao đường phố, nghệ thuật xiếc, ảo thuật, múa dân gian,
Trình diễn bay 10.500 thiết bị Drone, lập kỷ lục quốc gia, kết hợp pháo hoa nghệ thuật hoành tráng.
Mời quý độc giả xem video Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy thông tin về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Thực hiện: Mai Loan.